- Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD cải thiện nhà vệ sinh
- Tỷ phú Bill Gates phát minh lại... bồn cầu
- Singapore nghiên cứu về vi khuẩn gây hại cho sức khỏe trên những đồng "tiền bẩn"
Hơn 4.000 nhà vệ sinh “con hổ” đã được lắp đặt trên khắp Ấn Độ
Theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các quốc gia đang phát triển, nơi mà điều kiện an toàn vệ sinh không được đảm bảo thường xuyên xảy ra những ca tử vong vì tiêu chảy, trong đó, mỗi năm có ít nhất 525.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới chết do an toàn vệ sinh kém. Do đó, sự thật đáng buồn này không chỉ cần giới khoa học và cả thế giới chung tay để có cuộc sống xanh và sạch hơn.
Nhà vệ sinh giun, không mùi, không muỗi và không cần dùng nước
Bill Gates - cựu CEO của Tập đoàn công nghệ Microsoft, một tỷ phú luôn được mọi người dân nghèo biết đến là “ông từ thiện”, bởi ông không chỉ tài trợ, hỗ trợ cho những người dân nghèo trên toàn thế giới bằng tiền hoặc các dự án phát triển kinh tế, mà bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm công nghệ, dự án nghiên cứu được ông tài trợ đều mang lại hiệu quả rất cao và ý nghĩa.
Từ năm 2015, Bill Gates đã tài trợ cho dự án phát triển chuỗi nhà vệ sinh mang tên “Tiger Toilet” và đã được đưa vào sử dụng trên khắp đất nước Ấn Độ. Nhà vệ sinh “Tiger Toilet” được lắp đặt ở hàng nghìn ngôi nhà và trường học ở Ấn Độ, trông giống như những nhà vệ sinh khác, tuy nhiên nó có những đặc điểm ưu việt hơn hẳn so với các loại nhà vệ sinh thông thường như không cần sử dụng nhiều nước cho việc xả chất thải, không gây mùi và phân được xử lý hoàn toàn bằng loại giun hổ (Eisenia Fetida), một loài giun ăn phân.
“Chúng (giun hổ) sinh sản rất tự nhiên, môi trường sống tự nhiên của chúng chính là đống phân bò, phân ngựa. Đó là nơi chúng thích sống”, Ajett Oak, Giám đốc dự án “Tiger Toilet” nói. “Tiger Toilet” là nhà vệ sinh kiểu mới, khác với kiểu nhà vệ sinh truyền thống là không cần phải xả nước và không cần kết nối với hệ thống thoát nước. Thay vào đó là những con giun được chứa trong bể phốt dưới nhà vệ sinh. Giun được nuôi cấy trong bể phốt để ăn phân rồi chúng thải ra nước và CO2, chất thải. Chất thải này của giun có ít chất độc hại hơn so với phân người. Nước do giun thải ra khi thấm xuống đất sẽ được đất lọc theo cách tự nhiên nhất nên không cần phải xử lý thêm bước nào.
Những con giun sẽ xử lý phân, loại bỏ 99% mầm bệnh và để lại không quá 15% chất thải theo trọng lượng, dưới dạng phân hữu cơ. Phần còn lại biến thành nước (khoảng 60-70%) và carbon dioxide, nên với cách như vậy sẽ có hiệu suất cao hơn so với bể phốt tự hoại. Ngoài ra, sản phẩm dư thừa có thể tạo thành “phân bón rất tuyệt vời” vì hỗn hợp nitơ, phốt pho, carbon, kali rất tốt cho cây trồng. Và đặc biệt, nhà vệ sinh này không gây mùi, không thu hút ruồi, muỗi.
Nhân rộng mô hình, thay đổi thói quen
“Có nhiều người còn chưa bao giờ có nhà vệ sinh để đi”, Oak cho biết và thậm chí khi chưa có nhà vệ sinh “Tiger Toilet” thì họ đi vệ sinh ngoài đồng ruộng. Tuy nhiên, sau khi triển khai dự án của tỷ phú Bill Gates, khoảng hơn 4.000 nhà vệ sinh này đã được lắp đặt tại Ấn Độ. Hồi tháng 11-2018, tại triển lãm Tái phát minh nhà vệ sinh ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tỷ phú Bill Gates cho biết ông sẵn sàng bỏ ra số tiền hơn 200 triệu USD để phát triển những ý tưởng công nghệ mới cho nhà vệ sinh không cần cống, nên điều này là rất khả thi đối với các quốc gia nghèo.
“Chúng tôi ước tính tới năm 2030, dự án này sẽ có giá trị hơn 6 tỷ USD mỗi năm”, Bill Gates nói. Cụ thể, mỗi một “Tiger Toilet” có giá khoảng 350 USD, nên việc nhân rộng mô hình toàn cầu của nhà vệ sinh này là điều hoàn toàn có thể làm được với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía.
Trước đó, để “Tiger Toilet” ra được với thị trường, Quỹ Bill & Melinda Gates đã trao ít nhất 4,8 triệu USD tài trợ cho trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London để hoàn thiện công nghệ này. Bên cạnh đó, dự án nhà vệ sinh “Tiger Toilet” cũng nhận được khoản hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) số tiền 170.000 USD cho hoạt động thử nghiệm ở Ấn Độ, Myanmar và Uganda.
“Đây là một sản phẩm hoàn toàn mới”, Bill Gates nhận định, bởi theo ông sản phẩm này như một sự thay đổi của cả một cộng đồng ví như máy tính cá nhân hay điện thoại thông minh.