Tỷ giá liên tục tăng

ANTĐ - Kể từ đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng. Sau 9 lần điều chỉnh, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng thêm 105 đồng/USD.

Áp lực tỷ giá luôn có nhưng không quá gay gắt

Giá USD tăng mạnh

Lần điều chỉnh mới nhất là hôm qua (19-10) với mức tăng 10 đồng/USD, như vậy tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện đứng ở mức 20.733 đồng/USD. Theo đà tăng của tỷ giá liên ngân hàng, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh thêm 10 đồng/USD và giao dịch phổ biến ở mức 20.918 -  20.940 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tỷ giá USD niêm yết mua vào - bán ra ngày 19-10 là 20.918 - 20.940 đồng/USD. Tỷ giá USD của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng niêm yết ở mức 20.920 - 20.940 đồng/USD. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mức giá mua vào có phần nhỉnh hơn so với các ngân hàng thương mại khác trong khi bán ra ở mức tương đương (mua vào là 20.935 đồng/USD và bán ra ở mức 20.940 đồng/USD).

Ngược chiều với thị trường ngoại tệ của ngân hàng, thị trường USD tự do trong những ngày gần đây có dấu hiệu ổn định, thậm chí giảm giá. Đến hôm qua, mức giá này mới có điều chỉnh tăng nhẹ, giá USD giao dịch được các cửa hàng thu đổi ngoại tệ “treo” ở mức 21.450 - 21.500 đồng/USD.

Nếu so với thời điểm Thống đốc NHNN tuyên bố (ở mức 20.628 đồng) sẽ tăng không quá 1%, tức sẽ không vượt 20.834 đồng, thì giá USD đã tăng thêm 0,5% (từ 20.628 đồng lên 20.733 đồng). Như vậy, mức giá này chỉ còn cách mục tiêu đề ra 0,5%, tương đương với 101 đồng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá, trước hết phải ổn định giá vàng. Sau đó là thắt chặt thị trường USD tự do tránh gây áp lực cho thị trường chính thức. Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng khả năng giữ biến động tỷ giá không quá 1% là rất khó khi thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ để thanh toán của doanh nghiệp tăng cao.

Có thể giữ biến động dưới 1%

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, việc tăng giá của USD trên thị trường, kể cả liên ngân hàng lẫn thị trường tự do không phải là điều bất ngờ. Điều này liên quan đến câu chuyện vàng hóa trong nền kinh tế, nhu cầu nhập vàng và liên quan đến cả một số chính sách điều tiết mới của NHNN đối với một số ngân hàng thương mại trong việc tạo ra sự liên thông giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

Nhìn tổng thể, áp lực đối với nền kinh tế vẫn còn cao khi lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, đồng nghĩa với việc giá trị đồng tiền Việt sẽ ngày một lao dốc. Bên cạnh đó, thâm hụt cán cân thương mại ở Việt Nam đã được thu hẹp nhưng vẫn còn rất lớn. Lãi suất vay USD đã cao hơn nhiều so với huy động, cùng với đó là áp lực của cả vòng xoáy giá vàng… là gánh nặng gây áp lực lớn lên giá trị đồng Việt Nam.

Ông Lê Đức Thúy - Nguyên Thống đốc NHNN nhận định, việc giữ tỷ giá biến động không quá 1% có thể thực hiện được. Như vậy sẽ có sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá giao dịch liên ngân hàng cũng như trên thị trường tự do. Lãi suất đồng Việt Nam vẫn cao hơn lãi suất USD được xem là cái neo không cho tỷ giá lên quá cao. Tình hình này sẽ còn tiếp diễn đến hết năm, thậm chí là đến tết âm lịch. Do vậy nếu quản lý vĩ mô khéo có thể tỷ giá vào thời điểm tết thậm chí còn ổn định hơn. Ông Thúy cho rằng, tỷ giá trên thị trường tự do có thể lên 22.000 đồng/USD và khó có thể cao hơn.

“Áp lực tỷ giá là luôn có nhưng không lớn như mọi người nghĩ, không quá gay gắt như thời kỳ trước tháng 2. NHNN cũng sẽ không có điều chỉnh quá 1% và sẽ giữ ổn định ở mức đó, chênh lệch trong ngoài sẽ tăng lên nhưng không quá lớn” - ông Thúy nói.