Tỷ giá, lãi suất đè nặng doanh nghiệp: Làm sao để hóa giải?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Doanh nghiệp đang cùng lúc chịu sức ép của tỷ giá, lãi suất. Nếu không linh hoạt, nhịp nhàng thì doanh nghiệp sẽ khó gượng dậy được, nhất là trong bối cảnh đang phải gồng sức phục hồi sau dịch.

Sức ép tỷ giá, lãi suất dồn lên doanh nghiệp

Biến động tỷ giá thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, khi tỷ giá tăng, thông thường sẽ thuận lợi trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với ngành thép Việt Nam thì thị trường chính vẫn là trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Trong khi, nguyên liệu cho sản xuất thép phần lớn đều phải nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt hay thép vụn. Vì vậy khi tỷ giá tăng, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

“Với Tổng Công ty Thép, theo những thông tin tôi nắm được, với những đơn vị lớn có lượng nhập khẩu lớn thì chênh lệnh tỷ giá có thể tác động đến 70-80 tỷ đồng trong năm 2022 này, và những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hơn có thể đến vài ba chục tỷ. Do đó ảnh hưởng phải nói là rất lớn” – ông Thảo nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng lo ngại về việc thời gian qua, để kiềm chế tỷ giá, NHNN phải tăng lãi suất, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, thời gian qua, hàng loạt các công cụ đã được NHNN sử dụng để bình ổn tỷ giá hối đoái như: Kích hoạt lại hút tiền trên kênh thị trường mở (OMO) để kiểm soát cung tiền tốt hơn; Bán ngoại tệ ở mức độ vừa phải để ổn định tỷ giá hối đoái và tài trợ cho các nhu cầu lớn tức thì của các doanh nghiệp.

Quan trọng nhất là NHNN đã tăng 2 lần lãi suất với cường độ rất lớn 1%/lần. Cuối cùng là điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tỷ giá bán ngoại tệ và nới lỏng biên độ giao dịch.

“Cách thức điều hành của Ngân hàng Trung ương theo chỉ đạo của Chính phủ là đồng bộ, mỗi thứ một chút và cố gắng giữ cân bằng vĩ mô ở mức nhất định. Chúng ta đã đạt được mức tăng tỷ giá thấp nhất trong khu vực và cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Mặc dù vậy, từ đầu năm đến giờ tỷ giá vẫn biến động khoảng 9,5-9,6%” – ông đánh giá.

Sức ép tỷ giá, lãi suất đang đè nặng nhiều doanh nghiệp

Sức ép tỷ giá, lãi suất đang đè nặng nhiều doanh nghiệp

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về việc do quá lo ngại dẫn đến mức điều hành lãi suất của NHNN tương đối cao. Điều này khiến cho lạm phát Việt Nam gần như thấp nhất thế giới nhưng lãi suất cho vay thì thuộc nhóm cao nhất thế giới.

“Lãi suất thực gấp 3 lần lạm phát, đó là lãi suất không một doanh nghiệp nào chịu nổi, kể cả buôn bất động sản” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Nếu tăng lãi suất nữa thì doanh nghiệp “đứng hình”

Dù vậy, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng áp lực về tỷ giá hối đoái đang giảm mạnh.

“Lạm phát của các nước, đặc biệt là Mỹ giảm khá nhanh. Chỉ số USD có xu hướng giảm, các nước cũng tăng giá đồng tiền của họ bằng cách tăng lãi suất. Điều quan trọng hơn nếu Mỹ kéo dài tình trạng đồng USD tăng giá như hiện nay thì kinh tế của họ cũng mệt mỏi, ảnh hưởng rất xấu đến cán cân thương mại của Mỹ.

Nên tôi nghĩ sớm muộn gì họ cũng phải tìm cách hạ chỉ số USD xuống bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giảm mức độ tăng lãi suất. Vì vậy, sức ép tỷ giá hối đoái sẽ giảm” – vị chuyên gia nhận định.

Cùng với đó, theo ông, vốn FDI đăng ký giảm nhưng FDI giải ngân thì tăng 15% so với năm ngoái. Thặng dư thương mại hiện ở mức trên 10 tỷ USD, góp phần giúp thâm hụt cán cân giảm đi nhiều; kiều hối cuối năm có thể tăng lên…

Cộng thêm những động thái của NHNN trong bình ổn tỷ giá hối đoái và đà đi xuống của USD, theo ông, đây là những cơ hội để chúng ta xem lại lãi suất với các doanh nghiệp.

“Chúng ta có bài học từ năm 2009, là không chịu điều chỉnh tỷ giá mà cứ bán ngoại tệ để cân bằng, rồi bán gần hết ngoại tệ rồi mà vẫn không cân bằng được thì cuống lên điều chỉnh một nhát 9% tỷ giá hối đoái và sau đó thêm 5% nữa khiến cho thị trường rơi vào tình trạng mất thanh khoản cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng, lạm phát bắt đầu bùng lên ở mức 18% sau đó khoảng 1-2 năm.

Lần này tôi nghĩ Ngân hàng Trung ương đã rút kinh nghiệm, Chính phủ cũng điều hành theo hướng như thế. Thủ tướng dùng câu rất hay: “Mỗi thứ một ít, nhịp nhàng và nghệ thuật”, chúng ta sẽ không cực đoan mà chọn điều chỉnh tỷ giá hối đoái hơn là bán ngoại tệ và điều chỉnh lãi suất.

Lúc này mà điều chỉnh lãi suất tăng hơn nữa thì doanh nghiệp đứng hình” – ông nói.