Philippines:
Tuyên chiến với đội quân tư nhân
(ANTĐ) - Tata Uy và hàng chục thành viên trong nhóm quân riêng của ông đang tập luyện gian khổ quanh căn cứ của họ - một nhà thờ Hồi giáo nằm trên một ngọn đồi nhìn ra các khu rừng và nông trại ở miền nam Philippines. Tata chỉ tay tới một chỗ cách đó vài dặm là nơi các tay súng trung thành với chú ông, Samir Uy, bị giam giữ. Theo Tata giải thích, ông và người chú trở nên bất hòa cách đây 4 năm.
Bạo lực trước bầu cử thường diễn ra ở Philippines |
Tranh giành ảnh hưởng
Nhưng các cuộc đụng độ nhỏ đã leo thang thành cuộc chiến toàn diện vào năm ngoái sau khi Tata bộc lộ rõ ý định ra tranh cử chống lại người chú, một thị trưởng địa phương, trong cuộc bầu cử năm nay. “Quyết định không dễ dàng. Dù sao, ông ấy cũng là chú tôi” - Tata, 40 tuổi ở làng Reina Regente thuộc tỉnh Maguindanao cho biết, “Nếu không nhờ đội quân tư nhân, có lẽ tôi đã chết rồi”. Bây giờ Tata đã xây dựng được một đội quân gồm 40 thành viên và tiêu tốn khoảng 65.000USD để mua sắm vũ khí.
Tata Uy là một chính trị gia hiếm hoi ở Philippines không phủ nhận mình có một đội quân tư nhân. Khi Philippines chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 này, các chính trị gia thường sử dụng đội quân tư nhân để bảo vệ các lợi ích của họ, đe dọa đối thủ, gian lận bầu cử và duy trì sự kiểm soát của gia tộc trên khắp cả nước. Trong vài tuần gần đây, ở Philippines đã có 6 ứng cử viên bị ám sát. Các đội quân tư nhân phát triển mạnh đặc biệt là tại Mindanao, một hòn đảo cực nam của đất nước, nơi có nhiều phần tử nổi dậy chống lại quân đội nhà nước trong nhiều thập kỷ qua.
Đây cũng là nơi các binh sĩ Mỹ truy lùng các thành viên của tổ chức khủng bố Abu Sayyaf kể từ năm 2002. Theo các chuyên gia an ninh, thành viên trong các đội quân tư nhân có cả cảnh sát, binh sĩ, phiến quân Hồi giáo và dân thường. Một nhóm lực lượng dân sự cỡ lớn thường có khoảng 400-600 thành viên, thường tập trung ở miền nam Philippines.
Vào năm 2006, Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo đã ra một sắc lệnh tạo thuận lợi cho các chính trị gia địa phương thành lập những nhóm quân tư nhân hay “các tổ chức tình nguyện dân sự” để đấu tranh chống lại các phiến quân Hồi giáo. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi.
Các gia tộc đầy tham vọng đã nhân cơ hội này thành lập những nhóm quân tư nhân sử dụng vào mục đích riêng của họ và những cuộc xung đột thường biến thành cuộc chiến gia tộc. Trong đó vào tháng 11-2009, các tay súng trung thành với gia tộc Ampatuan đã thảm sát 57 người gồm các nhà báo và người thân của một chính trị gia đối lập.
Nỗ lực dẹp bỏ
Trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế về tình trạng bạo lực chính trị ở Philippines, bà Arroyo đã quyết định thành lập một ủy ban độc lập có nhiệm vụ xóa bỏ các đội quân tư nhân trên toàn quốc trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng
5-2010. Hiện ủy ban độc lập đã xác định được 74 đội quân tư nhân tại Philippines, tuy nhiên, các quan chức chính phủ khác cho rằng con số thực tế phải gấp đôi. Theo ông Dante Jimenez, một thành viên của ủy ban độc lập, các nhóm này hoạt động tại những khu vực sinh sống của 7,8 triệu trong tổng số 50 triệu cử tri trên toàn quốc.
“Nếu chúng ta không kiểm soát được các nhóm quân đội tư nhân, nguy cơ về các cuộc bầu cử không công bằng tại những khu vực này vẫn hiển hiện”. Các nhà phân tích cho rằng, sẽ rất khó để ủy ban độc lập giải quyết triệt để vấn đề đội quân tư nhân vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, chỉ trong 4 tháng. Tuy nhiên, ông Gary Olivar, người phát ngôn của Tổng thống khẳng định vấn đề quan trọng là phối hợp giữa các nguồn lực của chính phủ và lực lượng an ninh quốc gia.
Nguyễn Tuyên
(Theo Nytimes/Inquirer)