
Theo các nhà phân tích, hội nghị APEC lần này mang ý nghĩa và tầm vóc vô cùng quan trọng, bởi đây là một cơ hội giúp nước Nga xây dựng lại ảnh hưởng và sức mạnh tại châu Á - Thái Bình Dương. Nga đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào Vladivostok, xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm hai cây cầu treo và dự kiến sẽ sử dụng hội nghị lần này làm bàn đạp thúc đẩy đầu tư vào vùng Viễn Đông. Ông Putin cũng cho rằng Nga có nhiều cơ hội để trở thành một trung tâm thương mại, đồng thời quảng bá khu vực Viễn Đông của Nga là tuyến đường vận chuyển mới nối liền châu Á và châu Âu.
Cũng liên quan đến việc khẳng định sức mạnh của nước Nga, hôm qua 6-9, Tổng thống Nga Putin khẳng định “nước Nga đã chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần thứ hai”. Trả lời phỏng vấn mạng tin tức truyền hình Russia Today (Nước Nga ngày nay), ông Putin cho biết, nước Nga đã có kinh nghiệm từ làn sóng khủng hoảng đầu tiên, hiểu ra phải ứng phó thế nào và đã có “công cụ để xử lý khủng hoảng”. Quốc hội Nga đã đồng ý thông qua 200 tỷ ruble cho thâm hụt ngân sách và hiện tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 5,1%, thậm chí còn thấp hơn chỉ số trước khủng hoảng. Mặt khác, Nga cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế các nước láng giềng, muốn thấy khu vực đồng euro sống được, các nền kinh tế đối tác trở lại đúng đường.
Trong bài phỏng vấn dài đầu tiên kể từ lễ nhậm chức hồi tháng 5-2012 với RT, Tổng thống Nga vẫn phát huy được hình ảnh một nhà lãnh đạo tự tin, sắc sảo khi trả lời mọi câu hỏi liên quan đến nhiệm kỳ Tổng thống lần 3 của mình giữa lúc có nhiều chỉ trích ở trong và ngoài nước, từ việc dập tắt các quan điểm bất đồng đến sự can dự của các thế lực thù địch về các vấn đề còn tranh cãi. Nhận xét về mối quan hệ với Mỹ, ông Putin cho biết, Nga sẽ “phải nghĩ cách tự phòng vệ” nếu Mỹ tiếp tục quá trình đặt lá chắn tên lửa ở châu Âu đồng thời nhấn mạnh, hai nước cần nối lại đàm phán đã bế tắc về vấn đề này, bởi bước đi mang tính đơn phương sẽ khó “tăng cường sự ổn định toàn cầu”.