Tương lai nào cho Premier League?

(ANTĐ) - Người Anh đang bị ru ngủ bởi cái vỏ hào nhoáng của một Premier League được truyền thông lăng xê lên tận mây xanh. Và họ như muốn trốn tránh một hiện thực đáng buồn, các ngôi sao của giải Ngoại hạng chưa một lần trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất trong năm” của FIFA.

Hướng tới danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất trong năm” của FIFA

Tương lai nào cho Premier League?

(ANTĐ) - Người Anh đang bị ru ngủ bởi cái vỏ hào nhoáng của một Premier League được truyền thông lăng xê lên tận mây xanh. Và họ như muốn trốn tránh một hiện thực đáng buồn, các ngôi sao của giải Ngoại hạng chưa một lần trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất trong năm” của FIFA.

Nỗi hổ thẹn

Với việc Kaka thâu tóm cả 2 danh hiệu “Cầu thủ của năm” do Hiệp hội Cầu thủ nhà nghề quốc tế (FIFpro) và “Quả bóng Vàng châu Âu” do Tạp chí France Football trao tặng, cuộc đua tới các danh hiệu cá nhân của mùa bóng 2006-2007 xem như đã kết thúc. Bởi người ta thừa hiểu, Kaka cũng sẽ là chủ nhân giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” của FIFA trong đêm Gala tại Thụy Sỹ ngày 17-12, như truyền thống của “sân chơi” này những năm gần đây.

Sự xuất hiện của Kaka, C.Ronaldo và Messi khiến người ta liên tưởng đến sự “sắp xếp” khôn ngoan của FIFA trong việc tạo thế “cân bằng lực lượng” giữa 3 giải VĐQG hàng đầu châu Âu và thế giới là Italia, Anh và Tây Ban Nha, hơn là một sự công tâm từ cơ quan quản lý bóng đá lớn nhất hành tinh. Bởi người chiến thắng, một lần nữa, lại không đến từ Premier League, giống kết cục của 16 lần bầu chọn trước đó (La Liga 9, Serie A 7), kể từ lúc giải thưởng này chính thức ra đời năm 1991, chỉ một năm trước khi Premier League có tên...

Ngó sang danh hiệu “Quả bóng Vàng châu Âu”, người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự lép vế của các CLB Anh. Chiến công của Michael Owen năm 2001 chỉ là lần duy nhất trong 39 năm có một cầu thủ thi đấu ở xứ sương mù được vinh danh. Xa hơn, kể từ năm 1956 khi giải thưởng này lần đầu được tổ chức, bóng đá Anh mới có đúng 5 gương mặt được “điểm vàng”.

Vì đâu Premier League... thất bại?

Chẳng ai mảy may nghi ngờ sự thống trị của Giải Ngoại hạng về sức lôi cuốn và tiềm lực tài chính trong hệ thống giải bóng đá cấp CLB cũng như ĐTQG. Sự xuất hiện của các ngôi sao lớn, với phẩm chất kỹ thuật tốt cũng giúp lối chơi và tư duy bóng đá Anh dần mềm mại hơn, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn và Premier League vô cùng đắt giá. Tuy nhiên mọi chuyện chỉ dừng ở thế! Những thứ hàng tuần diễn ra trên các sân cỏ Anh chỉ là thứ phồn hoa rẻ tiền.

Sâu xa, Premier League vẫn còn kém rất xa 2 đấu trường Serie A và Primera Liga về tính cạnh tranh, kỹ chiến thuật, vai trò cá nhân và đặc biệt các danh hiệu cấp châu lục - những thứ vốn được xem là tiêu chí ưu tiên trong xét chọn “đẳng cấp”. Đôi lúc, người ta thấy ở Liverpool là Gerrard, Chelsea là Lampard, MU là Ronaldo hoặc Rooney, ở Arsenal trước đây là Henry chơi khá nổi bật, song không thể gọi họ là “thủ lĩnh tinh thần”, như Kaka ở Milan năm qua hay Ronaldinho ở Barca 2 năm trước đó.

Tương lai có xa vời

Người Anh sẽ luôn yếu thế? Nhiều người đã nghĩ thế và họ cũng ví von rằng C.Ronaldo, hay bất kỳ một ngôi sao nào khác đang chơi bóng tại giải Ngoại hạng, nếu muốn có cơ hội 1 lần được FIFA vinh danh, tốt nhất hãy tìm đến “miền đất hứa” Serie A hoặc La Liga, thậm chí Bundesliga, như cái cách Henry đang “mạo hiểm” ở Barcelona vậy. Nghe có vẻ thật nghịch cảnh, bởi lúc này đây Premier League đang chính là thiên đường...

Hãy nhìn các CLB Anh, họ đang dần chuyển mình để hòa nhập tốt hơn vào môi trường bóng đá không chỉ còn “kick & rush” truyền thống. Và nếu năm nay MU, hoặc Arsenal, hoặc Liverpool vô địch Champions League, thì chuyện Ronaldo, hay Fabregas, hay Gerrard trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” sẽ chẳng có gì bất ngờ…

Huy Nam