Tuổi thơ bị đánh cắp

ANTĐ - Thay vì cắp cặp đến trường, hàng nghìn trẻ em ở quốc gia nghèo đói và xung đột - CH Trung Phi - lại bị buộc phải cầm súng lao vào các trận đánh như các chiến binh thực thụ.

Tuổi thơ bị đánh cắp ảnh 1
Tương lai xem ra quá mờ mịt trong con mắt hằn thù của cậu bé mới hơn 
10 tuổi này khi bị buộc phải cầm súng tham gia giết chóc


Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) vừa lên tiếng phản đối tình trạng cưỡng bức lính trẻ em tại CH Trung Phi, quốc gia trải qua xung đột triền miên nhiều năm qua. Ở quốc gia này hiện có hàng nghìn trẻ em, cả trai lẫn gái, đang bị các bên tham gia xung đột bắt phải làm các công việc của những người lính chiến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.

UNICEF cho biết, hiện có hơn 2.000 trẻ em bị bắt lính trong cuộc xung đột giữa lực lượng nổi dậy Seleka và quân chính phủ của Tổng thống Francois Bozize vừa bị lật đổ. Hai bên hiện đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thành lập Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp do thủ lĩnh lực lượng nổi dậy   Seleka, ông Michel Djotodia, đứng đầu song số lính trẻ em này vẫn chưa được giải ngũ. 

Đây không phải lần đầu tiên CH Trung Phi đối mặt với cáo buộc của UNICEF về việc sử dụng lính trẻ em. Năm 2007, trước áp lực của tổ chức bảo vệ trẻ em này cũng như các tổ chức nhân đạo khác, hơn 1.000 trẻ em CH Trung Phi đã được giải thoát khỏi các trại lính để trở lại trường lớp song do xung đột leo thang nên tình trạng bắt lính trẻ em có xu hướng gia tăng trở lại, kể cả với các bé gái. 

Trước thực trạng đó, UNICEF kêu gọi trả tự do ngay cho tất cả các trẻ em bị bắt lính, đồng thời cảnh báo chính quyền mới ở CH Trung Phi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để tình trạng bắt lính trẻ em tiếp tục tái diễn. Tổ chức này coi việc bắt lính trẻ em là hành động vô nhân đạo, vi phạm thô bạo quyền con người và phớt lờ Công ước LHQ về quyền trẻ em mà theo đó các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em phải được bảo đảm tối đa.

Cũng theo UNICEF, lính trẻ em hiện là một thực trạng nhức nhối ở nhiều quốc gia đang lâm vào chiến tranh hay xung đột. Hiện có khoảng 250.000 lính trẻ em trên thế giới, trong đó chủ yếu tại 12 quốc gia châu Phi và Syria, Pakistan, Afghanistan... để tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang với tư cách là binh sĩ, người đưa tin, do thám, phu khuân vác, đầu bếp hoặc nô lệ tình dục.  

Lên án hành động sử dụng trẻ em phục vụ chiến tranh, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ mối quan tâm và lo ngại sâu sắc việc vẫn tồn tại những hành động như: sử dụng trẻ em làm bia đỡ đạn, giết hại trẻ em, tấn công các trường học, bệnh viện của trẻ em, buộc trẻ em tham gia hàng ngũ chiến binh, gây tội ác, bắn giết... Người đứng đầu LHQ đã đưa ra “danh sách đen” các quốc gia, tổ chức đang thực hiện những hành động tội ác đối với trẻ em như lực lượng Taliban ở Afghanistan, các bên xung đột ở CHDC Congo, CH Trung Phi, Mali, Sierra Leone, Somalia, Sri Lanka, Liberia... và mới nhất là Syria.

Trong khi đó, UNICEF nhấn mạnh rằng việc trẻ em tham gia tích cực vào các cuộc chiến như một chiến binh hay với vai trò hậu cần đều có thể bị tác động xấu tới sức khỏe và tâm lý về lâu dài. Tổ chức này khẳng định việc tuyển dụng trẻ em dưới 18 tuổi vào các mục đích quân sự là vi phạm luật pháp quốc tế và bị coi là tội ác chiến tranh; trong trường hợp trẻ em bị tuyển dụng dưới 15 tuổi sẽ được coi là tội ác chống lại loài người, có thể bị đưa ra xét xử tại Tòa hình sự quốc tế.