Tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình hình ở Biển Đông vẫn có những diễn biến phức tạp, căng thẳng, trong đó có hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên vùng biển chiến lược này, mọi hoạt động ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Tiếp diễn những hoạt động đáng lo ngại ở Biển Đông

Thời gian qua, ở Biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới đáng quan ngại, thậm chí có những hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Những hoạt động này đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; làm phức tạp thêm tình hình vốn căng thẳng ở vùng biển chiến lược, là tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch với các quốc gia khu vực cũng như thế giới này.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, các hoạt động ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, các hoạt động ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam

Trong đó, mới đây nhất Tổ chức Khoa học Tự nhiên Trung Quốc (NSFC) lần đầu tiên công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên”, trong đó có một số tuyến tại Biển Đông bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam. 33 địa điểm này trải dài từ eo biển Đài Loan và Biển Đông đến các vùng biển phía tây Thái Bình Dương và phía đông Ấn Độ Dương. Cũng trong số 33 địa điểm mà Trung Quốc vừa công bố, bên cạnh eo biển Đài Loan còn có 8 địa điểm ở Biển Đông, 6 khu vực khảo sát ở phía Tây Thái Bình Dương nằm gần các căn cứ quân sự của Mỹ và các đồng minh và một địa điểm cắt ngang qua vùng biển nằm giữa Đài Loan và Philippines.

Đáng chú ý, Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ gửi tàu nghiên cứu tới khảo sát tất cả 33 địa điểm này. Các cuộc khảo sát ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc có thể được thực hiện thường xuyên hàng tháng, tuy nhiên tần suất hoạt động của các cuộc khảo sát chưa được Trung Quốc công bố. Theo số liệu mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, bộ chủ quản của NSFC, nước này đang vận hành một trong những đội tàu khảo sát đại dương lớn nhất thế giới, với hơn 60 tàu biển các kích cỡ khác nhau, được đưa vào hoạt động từ năm 2017.

Khi Trung Quốc công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên”, trong đó có một số tuyến tại Biển Đông bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam, tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc cũng vừa có chuyến đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo trang thông tin về tàu thuyền Marine Traffic, tàu Hải Dương Địa chất 4 là tàu khảo sát của Trung Quốc được đóng vào năm 1980, tải trọng gần 1.000 tấn.

Theo quy định tại Điều 56 và 77.1 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên và quyền tài phán tại EEZ và thềm lục địa. Các quốc gia thành viên khác của UNCLOS chỉ được phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học biển khi có sự đồng ý từ trước của nước ven biển liên quan.

Vì thế, khi được hỏi về các thông tin liên quan NSFC công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên”, trong đó có một số tuyến tại Biển Đông bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam, cũng như tàu Hải Dương Địa chất 4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS năm 1982”. Đồng thời, nêu rõ: “Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán các hoạt động ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982”.

Ngoài Trung Quốc, Đài Loan cuối tháng 3 vừa qua cũng thông báo tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo khẳng định của Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Chủ quyền không thể bác bỏ của Việt Nam ở Biển Đông

Như chúng ta từng nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ lâu nhân dân Việt Nam đã phát hiện quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này đã và đang được nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế và nhiều nhà khoa học khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII.

Theo các nhà nghiên cứu, chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII. Từ đó đến nay, việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này là rõ ràng, liên tục thể hiện trong sử sách, văn bản và trên hoạt động thực tế phù hợp với nguyên tắc luật phát quốc tế. Về thực thi chủ quyền (XVII - XIX), các nhà nước phong kiến Việt Nam đã lập ra đội Hoàng Sa sau này thêm đội Bắc Hải để tiến hành chiếm hữu, khai thác, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Trong thời kỳ 1954-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện việc bảo vệ, khai thác và quản lý đối quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên tất cả các phương diện.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, năm 1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa và huyện Trường Sa, mà nay huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong Hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Genève (Thụy Sỹ) vào tháng 6-1980, của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris (tháng 7-1980)…

Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố “Sách trắng” (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, công ước được xem là bản “Hiến pháp của đại dương” mà Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký chính thức, đồng thời luôn là thành viên có trách nhiệm.