Tuần dương hạm Diana của Nga bị bắt ở Việt Nam như thế nào?

ANTĐ - Tại Lái Thiêu, gần thành phố Hồ Chí Minh có đài tưởng niệm các thủy thủ của tuần dương hạm Nga mang tên "Diana" đã qua đời ở Sài Gòn 110 năm trước.

Trên lãnh thổ Việt Nam có của ba đài tưởng niệm người Nga đã chết tại Việt Nam. Ngoài Lái Thiêu, tại Hòa Bình có đài tưởng niệm những người xây dựng thủy điện. Tại Cam Ranh có đài tưởng nhớ các quân nhân sang Việt Nam giúp tăng cường quốc phòng.

Chiếc tàu tuần dương Nga này giống hệt như con tàu "Aurora" nổi tiếng, cũng đã từng hiện diện tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20, sau khi tham gia các trận đánh trong cuộc chiến Nga - Nhật từ những ngày đầu tiên.

Đầu năm 1904, tuần dương hạm "Diana" tham gia bảo vệ Port Arthur - cơ sở quân sự của Nga ở Trung Quốc. Tháng 7 năm đó, chiếc tàu tuần dương được lệnh rời khỏi Port Arthur và quay về Vladivostok của Nga.

Trong một trận hải chiến với Nhật Bản, tàu bị hư hại đáng kể, nhiều thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng và bị thương. Chạy trốn sự truy đuổi của tàu chiến Nhật Bản, thuyền trưởng đưa tuần dương hạm tới bờ biển Việt Nam.

Nhà sử học Nga Petr Tsvetov cho biết: “Đây là quyết định xuất phát từ việc Pháp tuyên bố trung lập trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Đồng thời tàu của Nga và Nhật Bản có thể lưu trú tại các cảng thuộc thực dân Pháp như ở Việt Nam trong thời hạn bất kỳ, có thể sử dụng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương để thực hiện công việc sửa chữa, ngoại trừ những gì liên quan đến vũ khí của họ.”

Tàu "Diana" đến Hải Phòng ăn than và đến 8 tháng Tám thì vào cảng Sài Gòn. Ở đó, bất chấp tuyên bố trung lập của Pháp, có một khó khăn bất ngờ xảy ra đang chờ đợi tàu chiến Nga, đó là để cập bến sửa chữa, tàu biển cần phải có giấy phép của chính phủ Pháp.

Tuần dương hạm Nga "Diana"

Do thực tế là chính phủ Pháp đang đứng về phía Nhật Bản nên một bức điện tín từ Paris ra lệnh cho các quan chức của chính quyền thuộc địa tước vũ khí của tuần dương hạm này. Tàu phải tháo cờ Nga, vũ khí trên tàu bị đưa nộp vào kho trên bờ. Những người còn lại của thủy thủ đoàn bị quản thúc tại Sài Gòn.

Tàu "Diana" phải ở lại Sài Gòn trong hơn 1 năm. Trong thời gian này, tám trong số thủy thủ của nó đã chết vì vết thương trong cuộc chiến với Nhật Bản và vì khí hậu bất thường. Họ được chôn cất tại nghĩa trang ở trung tâm Sài Gòn.

Cờ Nga trên tàu tuần dương "Diana" lại được kéo lên vào tháng 10 năm 1905, sau khi phê chuẩn hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản. Cùng thời điểm đó, có tàu tuần dương khác là tàu "Aurora" và các tàu khác của Nga cũng tham gia chiến sự được ghé vào Sài Gòn. Tháng 11 năm đó, đoàn chiến hạm Nga rời cảng Sài Gòn và lên đường về biển Baltic quê hương.

Bảy mươi năm sau, khi Sài Gòn được giải phóng, nước Việt Nam thống nhất, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định xây dựng một công viên tại khu vực nghĩa trang

Theo thỏa thuận với phía Nga, hài cốt của các thủy thủ đã được chuyển đến nghĩa trang thành phố Lái Thiêu. Năm 1985, một tượng đài có hình con tàu với cột buồm cao và chiếc neo đã được dựng lên tại khu mộ để tưởng niệm các thủy thủ Nga.

Về số phận của các con tàu Nga, tuần dương hạm "Aurora" đã đi vào lịch sử nước Nga, góp phần vào cuộc cách mạng năm 1917, còn số phận tàu "Diana" thì rất đáng buồn. Năm 1922, khi chính phủ nước cộng hòa Xô Viết trẻ tìm mọi cách để chống đói, tàu tuần dương Nga đã được bán cho Đức để làm sắt vụn.