Từ vụ thảm sát ở Texas ra đời đội đặc nhiệm Mỹ

ANTĐ - Cách đây 45 năm, ngày 1-8-1966. Charles Joseph Whitman, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ với trang bị đủ loại vũ khí đã leo lên tầng 27 của tòa nhà, bình thản ngắm rồi bắn hạ 50 người vô tội, 17 người trong số đó đã thiệt mạng. Sự kiện kinh hoàng trên chính là nguồn gốc ra đời của các đơn vị đặc nhiệm SWAT trên khắp nước Mỹ nhằm đối phó với các đối tượng đặc biệt nguy hiểm. 

Mầm mống của bạo lực

Kẻ sát nhân bị cảnh sát bắn hạ

Charles Joseph Whitman, sinh ngày 24-6-1941, là con trai cả. Charles tóc vàng, ưa nhìn, khỏe khoắn và học hành chăm chỉ. Charles cũng được xếp vào ưu tú bẩm sinh, ở trường, Charles là một học sinh luôn ở tốp đầu, còn trên sân bóng chày, anh ta là đội trưởng. Lúc 7 tuổi Charles đã biết chơi piano và ở tuổi 12 anh ta đã được tuyên dương trong tổ chức hướng đạo sinh của bang. Cùng với bố, Charles hay đi săn và yêu thích súng đạn. Ở tuổi 15, anh ta đã có thể dùng các loại vũ khí cá nhân và có thể “bắn trúng mắt một con sóc từ khoảng cách 40 mét”.

Nhưng đằng sau bề ngoài đẹp đẽ của một gia đình gần như “hoàn hảo” là những khoảng tối bạo lực ẩn giấu. C.A Whitman cai trị gia đình bằng bàn tay sắt. Ông ta là một người cha độc đoán và bạo lực, thường xuyên đánh đập vợ con nếu họ hành xử không vừa ý.

Charles được xem là một đứa trẻ ưu tú nhưng những gì anh ta đạt được là kết quả của sự giáo dục khắc nghiệt, thậm chí là vô nhân tính. Khi đến tuổi thanh niên, một lần đi dự tiệc sinh nhật bạn và quá chén về muộn, Charles đã bị bố đánh cho thừa sống thiếu chết rồi vứt xuống bể bơi khiến anh suýt chết đuối. Thêm vào đó, từ lúc bé thơ đến trưởng thành, Charles mỗi ngày đều chứng kiến mẹ mình bị bố đánh đập, sỉ nhục và ngược đãi. Tháng 6-1959, vài tuần trước sinh nhật 18 tuổi, Charles đã đăng ký gia nhập lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Quen thuộc với cuộc sống kỷ luật sắt tại gia đình, Charles đã trở thành một “lính thủy đánh bộ ưu tú”. Charles đặc biệt chứng tỏ có năng khiếu để trở thành lính bắn tỉa. Với thành tích huấn luyện xuất sắc, Charles đăng ký vào học Đại học Texas theo chương trình học bổng của Hải quân Mỹ. Chính tại đây, vào năm 1961, Charles đã gặp và kết hôn với Kathy Frances Leissner.

Bắt đầu từ năm 1962, các triệu chứng tâm thần đã xuất hiện ở Charles. Hắn liên tục gây gổ đánh nhau và thi trượt nhiều môn. Đầu năm 1963, Hải quân Mỹ tước học bổng và Charles phải quay về đơn vị cũ ở Bắc Carolina. Hắn bắt đầu chán ghét mọi thứ. Năm 1964, Charles bị loại ngũ.

Quay trở về nhà, Charles dường như không thể hòa nhập được với xã hội. Có lần, hắn nói rằng căm ghét bố và bản thân mình và có ý định leo lên một tòa nhà nào đó rồi bắn chết hết những người xung quanh.

Ngày 31-7-1966, ngày nóng nhất trong năm, nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ C. Sau khi đưa vợ đi làm, Charles ghé vào một cửa hàng mua một con dao đi rừng và một ống nhòm. Hắn tiếp tục đi sang cửa hàng bán súng mua hai khẩu súng ngắn và đạn.

Thảm kịch cuồng sát

Khi trở về vào buổi chiều, Charles ngồi vào máy chữ và viết một lá thư tuyệt mệnh. Đêm 31-7, Charles lái xe đến căn hộ nơi mẹ hắn đang sống. Khi bà vừa mở cửa cho hắn và quay lưng đi vào, Charles lập tức tấn công và siết cổ bà. Charles đưa xác mẹ lên giường rồi phủ chăn lên, đồng thời ra cửa viết một tờ giấy nhắn dán lên đó với nội dung chủ nhà đi vắng. Khi Charles trở về nhà, Kathy đang ngủ say. Dùng lưỡi lê súng trường, hắn đâm liên tiếp 5 nhát vào ngực cô.

Để chuẩn bị cho cuộc thảm sát cuối cùng, Charles đã thêm 2 khẩu súng trường, biến số súng hắn cầm đi là 6 khẩu và tổng cộng 800 viên đạn. Đặc biệt, hắn còn mua thêm một ống ngắm bắn tỉa Luepold để tăng khả năng sát thương.

Vào khoảng 11h trưa 1-8, Charles đến khuôn viên Đại học Texas. Mạo danh một nhân viên sửa chữa đường ống, hắn đã lọt vào được tòa nhà 27 tầng cùng với bao tải đựng vũ khí. Khi lên đến tầng 27, hắn bị một nữ nhân viên bảo vệ hỏi giấy tờ, Charles giả vờ mở túi và bất ngờ lấy báng súng đập vào đầu bà này rồi giấu nạn nhân vào một góc. Ngay sau đó, Charles bắt đầu bố trí các khẩu súng ở 4 góc của ban công xung quanh. Từ bốn góc này, bắt đầu từ 11h45 hắn bắt đầu nhả đạn từ khẩu súng trường có ống ngắm.

Sau khi 15 người liên tiếp bị Charles bắn chết, cảnh sát bắt đầu xác định được vị trí hung thủ và ban đầu họ nhận định là có ít nhất 4 tay súng đang nấp trên tầng 27. Do thông tin liên lạc hạn chế, các đơn vị cảnh sát không thể phối hợp với nhau và gần như chỉ có thể ẩn nấp do Charles là một tay súng quá giỏi. Hắn tiếp tục bắn hạ 2 cảnh sát nữa trong khi số người bị thương tổng cộng đã lên tới gần 40. Một máy bay trực thăng cảnh sát với hai tay súng bắn tỉa đã được điều đến, buộc Charles phải rút vào cố thủ bên trong tòa nhà trong khi một nhóm cảnh sát đã tiếp cận được tòa nhà và lên được tầng 27 một cách kín đáo. Họ chia làm hai toán và bí mật tiếp cận nơi phát ra các tiếng súng nổ. Khi phát hiện ra mình bị bao vây, Charles đã bắn trả nhưng hắn cũng bị hạ bởi 4 phát đạn vào ngực. Đó là vào lúc 1h24 chiều 1-8-1966.

Vụ thảm sát ở Đại học Texas đã cho thấy sự bất lực của phương pháp tác chiến cũ của cảnh sát trước một đối tượng có trang bị tốt và ở vị trí khó tiếp cận. Không lâu sau vụ này, Sở Cảnh sát Los Angeles lập ra đơn vị đặc nhiệm chống tội phạm nguy hiểm (SWAT) đầu tiên.