Từ ngày mai 15-12: Buýt nhanh BRT bắt đầu chạy thử

ANTD.VN - Từ ngày mai 15-12, xe buýt nhanh BRT Hà Nội sẽ bắt đầu chạy thử để khớp nối kỹ thuật trên tuyến và tới đầu năm 2017 sẽ bắt đầu vận hành chính thức. Đã gần tới giờ G nhưng dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về việc tổ chức tuyến buýt này ra sao để đảm bảo vận hành trơn tru trên toàn tuyến.

Nhà chờ xe buýt BRT trên trục đường Lê Văn Lương

Hạn chế ô tô khách, xe hợp đồng trên tuyến

Liên quan đến phương án phân luồng cho tuyến buýt nhanh BRT, liên ngành CATP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc xin chấp thuận phương án tổ chức giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT (từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa).

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, số lượng xe đưa vào vận hành là 29 xe, tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình  22-30km/h, thời gian vận hành một lượt từ 45-55 phút. 

Để phân làn dành riêng cho xe buýt BRT, sẽ sơn vạch liền kết hợp đinh phản quang trên đường từ đoạn Ba La tới Cát Linh với chiều dài khoảng 12,2km. Các đoạn còn lại từ Giảng Võ đến Kim Mã, từ Yên Nghĩa tới Ba La, xe buýt BRT sẽ đi chung với các phương tiện khác. Các nút giao trên tuyến được tổ chức giao thông đi lại bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho hướng vận hành của xe BRT.

Tuy nhiên, liên ngành CATP và Sở GTVT cũng cho biết, trong quá trình vận hành thử nghiệm, sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tại các nút và điều chỉnh pha đèn cho phù hợp tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, sẽ có phương án tổ chức lại giao thông trên tuyến theo hướng ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT. Liên ngành đề xuất đối với xe tải, ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng, sẽ cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông  (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc).

Cùng với đó, sẽ cấm xe taxi trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường). Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT.

Ngoài ra, sẽ cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.

Các tuyến xe buýt thường đi trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT cũng sẽ được điều chỉnh, bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT nhưng phải đảm bảo hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT. Các điểm trông giữ phương tiện giao thông cá nhân (xe đạp, xe máy) được bố trí trên hè gần khu vực nhà chờ hoặc các khu vực lân cận, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu gửi xe lớn.

Giá vé dự kiến 7.000 đồng/lượt

Về phương án vận hành, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) đã xây dựng và trình Sở GTVT Hà Nội xem xét. Theo phương án này, trước mắt, vé dùng cho xe buýt nhanh vẫn là vé thẻ giấy thông thường như vé xe buýt và được bán tại các điểm nhà chờ. Vé lượt dự kiến là 7.000 đồng/lượt. Vé tháng sẽ áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường. Nhân viên bán vé và kiểm tra vé trên xe. 

Khi tuyến buýt nhanh BRT có số hiệu 99 đi vào vận hành, sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 22 để giảm trùng lặp với tuyến BRT trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Ngoài ra, sẽ điều chỉnh 4 tuyến để tăng kết nối, mở rộng vùng phục vụ, gồm điều chỉnh lộ trình tuyến vòng gom khách số 09 (Bờ Hồ - Bờ Hồ) kết nối với tuyến BRT tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan; điều chỉnh lộ trình tuyến vòng gom khách số 18 và tạo kết nối tại điểm đầu cuối tại nhà chờ Kim Mã; điều chỉnh tuyến 19 mở rộng vùng phục vụ tới Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Khu đô thị mới Dương Nội để gom khách cho tuyến BRT; điều chỉnh lộ trình tuyến buýt 50 để tăng cường kết nối với tuyến BRT và giảm trùng lặp với tuyến 22 sau khi điều chỉnh khỏi hành lang tuyến BRT.

Hiện nay, dọc tuyến BRT, có 44 điểm dừng đón trả khách các tuyến buýt thường. Để tăng cường khả năng kết nối, tạo thuận tiện cho hành khách chuyển tuyến, Tramoc đề xuất di chuyển 10 điểm dừng và bổ sung 10 điểm cho 2 chiều vận hành.

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT cho hay, do đặc thù giao thông trên địa bàn Hà Nội nên phương án vận hành cũng như phương án tổ chức giao thông phải linh hoạt. Trả lời về việc làm thế nào để hạn chế phương tiện đi vào làn đường dành riêng cho buýt BRT, ông Vũ Hà cho biết, khi đã phân luồng thì phương tiện đi sai làn sẽ bị xử phạt.

Tại các nhà chờ dọc tuyến đều có lắp camera ghi lại hình ảnh để phạt nguội. Trong những tình huống cần thiết, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể điều tiết, phân luồng phương tiện đi vào làn đường này để giải tỏa ùn tắc.

Cấm xe máy qua 2 cầu vượt Láng, Láng Hạ giờ cao điểm

Tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng), sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác. Đồng thời, cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên, lưu thông trên 2 cầu vượt.