Từ hiện tượng đến biểu tượng

ANTĐ - Phát biểu gây sốc của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Ngay cả thời đỉnh cao, Thể Công hay Cảng Sài Gòn cũng không được hâm mộ như HAGL”, những ngày qua bị nhiều người lên tiếng phản đối.

Từ hiện tượng đến biểu tượng ảnh 1Để tỏa sáng, Công Phượng và đồng đội còn phải cố gắng rất nhiều

Một lãnh đạo Hội Cổ động viên bóng đá Việt Nam bức xúc cho rằng phát biểu của ông Chủ tịch VFF có thể chia rẽ những người yêu các đội bóng nói trên và sự so sánh khập khiễng cho thấy cái nhìn thiển cận của người đứng đầu bộ máy quản lý bóng đá nước nhà. Vị này phân tích: “Mỗi đội bóng ở một thời đại khác nhau. HAGL ở thời buổi kinh tế thị trường nên các dịch vụ ăn theo như bán áo đấu xuất hiện là điều bình thường và không thể so sánh với thời trước tuy khó khăn nhưng người dân sẵn sàng đổi áo hay đồ đạc giá trị của mình lấy vé vào sân xem đội bóng yêu thích thi đấu. Và việc khán giả kéo tới sân đông đa phần vì tò mò với hiện tượng U19, chứ không phải xuất phát từ tình yêu mà ngay cả khi đội bóng giải thể, tình yêu đó vẫn ngự trị trong tâm trí như cách hàng triệu người hâm mộ thể hiện với những biểu tượng như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn… ngày trước”.

Chuyện đúng-sai, nên-không nên trong phát biểu của ông Chủ tịch VFF xin không bàn tới, ở đây, người viết chỉ muốn đề cập đến khái niệm “biểu tượng” đang có xu hướng bị lạm dụng để gọi tên đội bóng mới ở dạng “hiện tượng” như HAGL.

Phải thừa nhận rằng lứa U19 HAGL với lối chơi cống hiến, fair-play đang tạo cơn sốt lớn ở V-League. Song, nếu cho đó là hiện thân của tình yêu với HAGL thì có lẽ hơi vội vàng. Rất nhiều khán giả Long An chia sẻ họ đến sân vì tò mò, muốn được xem lứa U19 đang nổi như cồn thi đấu bằng xương bằng thịt, chứ không phải đến sân vì tình yêu dành cho đội bóng HAGL. Bằng chứng là ở trên sân Long An chiều 11-1, phần đông khán giả vẫn cổ vũ cho đội nhà – ĐTLA và ăn mừng sau chiến thắng 2-1 của đội nhà trước “hiện tượng” HAGL. Sau trận thua đó, trên báo mạng hay trên diễn đàn bóng đá mạng xuất hiện rất nhiều bình luận chê bai, thậm chí mỉa mai thất bại của HAGL, dù chỉ mới vài ngày trước nhiều người còn hoan hỉ với chiến thắng 4-2 của đội này trước Khánh Hòa. Vậy, nếu bỏ qua những “ăn theo viên” như ở trên, thì liệu HAGL còn bao nhiêu CĐV trung thành, thực sự coi đội bóng là biểu tượng của lòng mình?

Những thương hiệu Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn… được yêu mến, ghim sâu trong lòng hàng triệu người hâm mộ phải trải qua một quá trình cống hiến, tạo dựng và giữ gìn bản sắc. Lứa U19 HAGL hiện tại mới dừng ở hiện tượng được bộ phận giới truyền thông tung hô, đánh bóng quá đà. Để một đội bóng từ hiện tượng đến biểu tượng còn cả một chặng đường rất dài.