Tư duy mới để hàng Việt mạnh trên sân nhà

ANTĐ - Liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, cải tiến chất lượng và được bán lẻ với mức giá hợp lý... là cách để hàng Việt không thua trên sân nhà. Đổi mới tư duy ngay từ khâu sản xuất là bài học của một số doanh nghiệp trong nước tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Doanh nghiệp nên tận dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được

Quảng cáo truyền miệng

Đó là cách chủ yếu mà Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất đã làm trong thời gian qua nhằm mở rộng mạng lưới phân phối trên thị trường Việt Nam. Sản phẩm quạt của Điện cơ Thống Nhất đã đánh bại tất cả các loại quạt Trung Quốc chất lượng kém, cạnh tranh ngang sức với quạt nhập khẩu của Nhật Bản. Hiện tại, sản phẩm quạt trần của Điện cơ Thống Nhất chiếm hơn 60% thị phần, các loại quạt khác chiếm hơn 30% thị phần tiêu thụ cả nước. 

Ông Nguyễn Duy Đức - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cho biết: Bí quyết thành công của Điện cơ Thống Nhất không chỉ ở sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, mà còn ở tư duy quảng cáo. Thay vì trả vài chục triệu đồng cho mỗi phút quảng cáo trên truyền hình, lãnh đạo công ty trực tiếp tuyên truyền đến phòng tiêu thụ, lực lượng này lại trực tiếp nói cho khách hàng về ưu điểm của hàng Việt Nam. Không tính phần lãi của đại lý phân phối, mỗi năm công ty trích khoảng 4 tỷ đồng để thưởng các khách hàng lớn, có khách hàng được thưởng 200 triệu đồng, trong đó doanh số bán ra cao được cho là bởi cách tuyên truyền, gợi ý cho người mua lẻ về tính ưu việt của sản phẩm nội. Bên cạnh đó là việc tăng cường dùng vật tư trong nước sản xuất được, để hạ giá thành sản phẩm, khuyến mãi, giảm giá, bảo hành sản phẩm rất uy tín, thuận tiện. 

Trong chặng đường chinh phục người tiêu dùng Việt, quạt Điện cơ Thống Nhất đã thay đổi mẫu mã nhiều lần, từ chiếc quạt thô sơ, nhiều chi tiết bằng gang dễ bị rỉ do thời tiết, khối lượng nặng... đến nay, quạt Điện cơ Thống Nhất đã nhẹ, gọn, mẫu mã đẹp, chạy êm, tốn ít điện và có chức năng điều khiển từ xa tương tự như quạt Nhật Bản. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm lại chỉ bằng 1/2 đến 1/3 sản phẩm nhập ngoại. Theo ông Đức, nếu không chịu cải tiến mẫu mã, công dụng quạt thì không thể cạnh tranh nổi. Nhưng nếu cải tiến mà để đội giá thành lên cao thì cũng không hiệu quả. Doanh nghiệp phải tính toán làm sao để mẫu mã mới, tiện dụng, chất lượng phải đảm bảo nhưng giá cả không được cao. “Ăn lãi trên mỗi sản phẩm của chúng tôi không nhiều nhưng để công ty phát triển, chúng tôi bù lại bằng tăng số lượng bán ra để tăng lợi nhuận”, ông Đức cho biết. Tất cả những suy nghĩ này đều được lãnh đạo công ty chia sẻ với người tiêu dùng.

Thuyết phục bằng trực quan

Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mặc dù nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến, lượng hàng Việt trên thị trường đã tăng đáng kể nhưng thực tế cho thấy, dù có tuyên truyền cho hàng Việt tốt bao nhiêu, cũng khó thuyết phục bằng quan sát thực tế. Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội thẳng thắn: “Nếu cho lựa chọn, giá hàng Việt là 10.000 đồng/sản phẩm, hàng Trung Quốc khoảng 8.000 đồng/sản phẩm thì tôi sẽ chọn hàng Việt. Tuy nhiên, chất lượng, mẫu mã tương tự nhau mà giá hàng Việt cao gấp đôi thì tôi lựa chọn hàng Trung Quốc. Có tuyên truyền bao nhiêu cũng không hiệu quả bằng trực quan”.

Thực tế này cũng được lãnh đạo huyện Ba Vì tán đồng bởi ngay trên địa bàn huyện, người dân chủ yếu thu nhập thấp, họ thường xuyên mua áo sơ mi giá 35.000 đồng/chiếc ngoài chợ (là hàng TQ) thay vì mua áo Việt Tiến giá thấp nhất cũng 300.000 đồng/chiếc.

Điều này cũng đúng với trường hợp của Điện cơ Thống Nhất khi để cạnh tranh với hàng Nhật Bản sản xuất tại Thái Lan, chất lượng tương đương, giá hàng nội là 650.000 đồng/chiếc, hàng ngoại là 1,3 triệu đồng/chiếc. Nếu giá bán cao hơn sẽ rất khó tiêu thụ, người giàu sẽ chọn hàng nhập khẩu, và người nghèo hơn sẽ chọn hàng “nhái” với mức giá thấp hơn vài chục nghìn đồng/chiếc.

Theo ông Hà Xuân Hưng- Bí thư Huyện ủy huyện Ba Vì, nếu đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt bằng cách đưa một vài chuyến hàng Việt về địa phương bán lưu động nhân dịp lễ, tết thì không hiệu quả. 

Lắng nghe ý kiến của địa phương và doanh nghiệp, ông Đào Văn Bình - Chủ tịch Ủy ban  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý và cần đổi mới cách thức đưa  hàng Việt về nông thôn. Có như vậy mới thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt.