TS Nguyễn Đức Độ: Lạm phát 2023 sẽ đạt đỉnh trong quý I sau đó hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lạm phát so với cùng kỳ năm trước có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó sẽ “hạ nhiệt”, lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,5% (+/- 0,5%).

Đây là dự đoán của TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023.

Lạm phát Việt Nam tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 đã tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI trong năm 2022 tăng 3,15%. Như vậy, lạm phát trong năm 2022 có xu hướng gia tăng (cùng kỳ tháng 12/2021 và lạm phát trung bình năm 2021 chỉ ở mức 1,81% và 1,83%).

Những nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng trong năm 2022 bao gồm: Nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch với tăng trưởng GDP năm 2022 đạt mức 8,02%; Xu hướng giá hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 do xung đột Nga – Ukraine (điển hình là giá dầu WTI); Tỷ giá USD/VND tăng dẫn đến giá nhập khẩu nhiên, nguyên vật liệu tăng theo khi tính bằng VND.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, vị chuyên gia thấy rằng lạm phát tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu là 4%. Đây cũng là con số khá thấp nếu so với các nước phát triển, điển hình là Mỹ.

Lạm phát Việt Nam thấp nhưng đang trong xu hướng tăng

Lạm phát Việt Nam thấp nhưng đang trong xu hướng tăng

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn các nước, theo vị chuyên gia, gồm: Nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều công suất dư thừa, do vậy, các doanh nghiệp không thể tăng giá mạnh khi cung hàng hóa vẫn khá dồi dào.

Thứ hai, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tế năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao, nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, bao gồm: ổn định tỷ giá USD/VND (chính sách tiền tệ) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (chính sách tài khóa).

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước là Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như giá dịch vụ y tế, giáo dục và điển hình là giá điện.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát có đạt được?

Một điểm khác biệt được TS Nguyễn Đức Độ chỉ ra, là lạm phát tại các nước phát triển (như Mỹ) trên thực tế đã bắt đầu tăng tốc từ đầu năm 2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ và nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại.

Trong khi đó, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm và lạm phát cũng ở mức thấp.

Ngược lại, trong năm 2022 lạm phát tại Mỹ đang trong xu hướng giảm thì lạm phát tại Việt Nam lại đang trong xu hướng tăng. Hơn nữa, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ đang tăng khá nhanh, trung bình khoảng 0,41%/tháng, tương đương 4,99%/năm và cao hơn so với lạm phát CPI tổng thể.

Câu hỏi đặt ra là: với việc lạm phát tại Việt Nam đang trong xu hướng tăng như hiện nay, liệu mục tiêu kiểm soát lạm phát xung quanh mức 4,5% trong năm 2023 có đạt được?

Theo vị chuyên gia, về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn.

Có một số lý do: Thứ nhất, NHNN đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022.

Thứ hai, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD. Nếu xu hướng giảm giá của đồng USD tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển. Điều này tác động đến lạm phát tại Việt Nam theo 2 kênh: Một mặt, tổng cầu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại; mặt khác, nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới (bao gồm cả giá dầu).

Như vậy, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

Do vậy, vị chuyên gia dự báo tốc độ tăng CPI trung bình hàng tháng trong năm 2023 sẽ giảm đáng kể so với năm 2022.

Lạm phát so với cùng kỳ có khả năng sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo sẽ nằm trong khoảng 3-4%, hay nói cách khác là xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%).