TS Cấn Văn Lực: Đề xuất giảm lãi suất về 0% là không khả thi, thiếu thực tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng đề xuất giảm lãi suất về 0% của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) là không khả thi, thiếu thực tế.

TS Cấn Văn Lực cho rằng việc VAFI so sánh lãi suất của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới là khập khiễng vì chúng ta phải xét trong bối cảnh riêng của chúng ta.

Theo đó, vị chuyên gia chỉ ra 4 điểm mà ông cho là đề xuất của VAFI thiếu cơ sở thực tiễn:

Thứ nhất là rủi ro nền kinh tế và rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam là cao hơn. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB trong khi Indonesia đã được đánh giá mức BBB, Trung Quốc đã gần lên mức A... Rủi ro cao thì lãi suất của chúng ta tất yếu phải cao hơn.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Thứ hai, theo TS Cấn Văn lực là lạm phát của Việt Nam đang ở mức cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm nay, dự báo lạm phát của chúng ta vào khoảng 3,5% đến gần 4%. Trong khi các nước đang phát triển ở châu Á dự kiến khoảng 2%, toàn thế giới dự kiến khoảng 2,5 – 2,8%. Do đó lãi suất của chúng ta cũng phải cao hơn.

Thứ ba là việc giảm lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. “Giả sử lãi suất bằng 0, lạm phát 3,5% thì người dân gửi tiền vào ngân hàng bị âm rất nhiều. Khi đó, chắc chắn dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng sẽ không có tiền cho vay. Như vậy sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống, ảnh hưởng đến toàn bộ cung ứng tín dụng cho nền kinh tế” – vị chuyên gia phân tích.

Thứ tư, theo TS Cấn Văn Lực, nếu lãi suất bằng 0, người dân sẽ cầm tiền đi đầu tư vào các kênh rủi ro khác như: chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số, thậm chí là mua vàng, mua USD... “Như thế sẽ làm náo loạn xã hội” – ông nói.

Trong khi đó, nếu các doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ phải huy động vốn qua kênh chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp. Đây là các kênh huy động vốn cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì vẫn phải trả lãi, thậm chí còn phải trả lãi suất cao hơn ngân hàng. Đó chẳng qua là phương án đi đường vòng. Hơn nữa, khi người dân mua trái phiếu, cổ phiếu, nếu doanh nghiệp phá sản, ai sẽ trả tiền cho nhà đầu tư,? Gửi ngân hàng ít ra còn có bảo hiểm tiền gửi” - vị chuyên gia đặt vấn đề.

Trước đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đưa lãi suất huy động dần về 0%.

VAFI viện dẫn hiện nay nhiều nước Âu - Mỹ, các nước Đông Âu đã duy trì lãi suất đồng nội tệ bặng 0, thậm chí âm nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

Nhiều nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2 - 0,7%/năm .

Còn với nước ta, tiền gửi VND đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm, VAFI cho rằng là rất cao so với các nước nói trên, dẫn đến lãi suất cho vay gấp từ 2 – 3 lần.

Trong khi đó, Hiệp hội này cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc để có thể đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như: Chính trị ổn định; Nền kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cao hơn các nước trong khu vực và các nước Âu - Mỹ; Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, lượng kiều hối lớn, dự trữ ngoại tệ tại NHNN tiếp tục tăng mạnh, vàng dự trữ trong dân lớn…

Tuy nhiên, VAFI cho rằng nguyên nhân khiến lãi suất tại Việt Nam vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển là do Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế (như chứng khoán), đồng thời cũng ngăn chặn được nó chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế như chảy vào thị trường bất động sản hay vào ngoại tệ.