Ngân hàng Nhà nước: Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay từ tháng 4/2021, cơ quan này đã có cuộc họp với các tổ chức tín dụng, trong đó “chỉ mặt điểm tên” những ngân hàng nào cho vay quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất ở mức thấp

Thông tin trong buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, sáng nay 21/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.

“Thanh khoản của các tổ chức tín dụng hết sức dồi dào và ổn định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc NHNN áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng có dôi dư. Điều này thể hiện tình hình tài chính các ngân hàng thương mại có sự ổn định và lành mạnh hóa” – Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Tính đến 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). Dòng tín dụng vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Nói rõ hơn về cơ cấu tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết tín dụng 6 tháng đầu năm tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, với 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lãnh đạo NHNN thông tin tại cuộc họp báo

Lãnh đạo NHNN thông tin tại cuộc họp báo

Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

“Dù lãi suất huy động có ghi nhận tăng tại một số ngân hàng thương mại nhưng nhìn chung mặt bằng tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và 1 số ngân hàng thương mại lớn vẫn duy trì ổn định và giảm so với cuối năm 2020”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Tín dụng vào bất động sản, chứng khoán được kiểm soát

Nói rõ hơn về tín dụng các lĩnh vực rủi ro, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết NHNN vẫn đang kiểm soát chặt.

Về tín dụng bất động sản, nhìn vào xu thế tăng trưởng trong 3 năm gần đây thì đang có xu hướng giảm dần. Năm 2018, tín dụng bất động sản tăng 26,76%; năm 2019 tăng 21%; năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ tăng 11,89%.

Năm 2021, tính đến 30/4 tín dụng bất động sản đã tăng 4,83%, ước hết tháng 6 tăng 5,5%. “Như vậy tăng trưởng tín dụng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát chặt chẽ của NHNN”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đại diện NHNN cũng cho biết, trong tháng 3 và tháng 4, giá bất động sản tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền. Nhưng đến thời điểm hiện tại, sau khi có các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các địa phương công khai quy hoạch, giá đất nền đã giảm nhiều, thị trường được kiểm soát ổn định hơn.

“Tuy nhiên, NHNN đánh giá tín dụng bất động sản vẫn còn nhiều rủi ro, không thể chủ quan, lơ là, vì vậy NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Còn về tín dụng chứng khoán, đến hết tháng 6, dự kiến tỷ trọng cho vay chứng khoán khoảng 0,48% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, vào khoảng 46.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này, không thay đổi nhiều so với tháng 4, 5.

“Chứng khoán là lĩnh vực đang được người dân rất quan tâm, giá chứng khoán biên động liên tục. Vì thế, tới đây, NHNN sẽ có các giải pháp tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ cho vay ở lĩnh vực này, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát người vay sử dụng đúng mục đích” đại diện NHNN cho hay.

Về tín dụng trái phiếu doanh nghiệp, theo đại diện NHNN, đến hết tháng 4/2021 có khoảng 227,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,76% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dự báo đến hết tháng 6 tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nói thêm về vấn đề tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển như hiện nay cũng có thể có nhiều vấn đề. Vì thế, vai trò của chính sách tiền tệ rất quan trọng, làm nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng phải kiểm soát về lạm phát, an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại.

“Ngân hàng nào cũng muốn cho vay nhiều, nhưng vấn đề là phải làm sao không để xảy ra tình trạng “bong bóng”, bởi khi “bong bóng” xẹp xuống sẽ để lại một khối lượng nợ xấu lớn của ngành ngân hàng. Ngay từ tháng 4/2021, NHNN đã có cuộc họp, “chỉ mặt điểm tên” ngân hàng nào cho vay quá nhiều, tỷ lệ cho vay lĩnh vực rủi ro quá nóng”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.