Truy lùng tên tội phạm tàn bạo nhất thế giới

ANTĐ - Có lẽ rất ít người biết rằng khoảng 100 lính Mỹ đang thực hiện một nhiệm vụ rất đặc biệt tại rừng rậm Trung Phi. Họ cùng với hàng nghìn binh lính châu Phi khác tham gia vào một trong những chiến dịch săn lùng lớn nhất từ trước tới nay, đó là tiêu diệt hoặc bắt sống kẻ bị truy lùng gắt gao nhất thế giới, Joseph Kony - một trong những thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố nguy hiểm đang nổi lên ở châu Phi.

Một ngày tuần tra như thường lệ của đội tìm kiếm xuất sắc nhất quân đội Uganda tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh nước này. Nhiệm vụ duy nhất của trung sỹ Kasim Lukumbo, 27 tuổi suốt 3 năm qua là lần theo dấu vết của Joseph Kony và đội quân của hắn, có tên gọi Quân đội kháng chiến của Chúa trời hay gọi tắt là LRA. Những dấu chân là dấu vết đầu tiên mà họ phát hiện được về đội quân của Joseph Kony trong vòng 6 ngày. Sau 1 giờ lần theo dấu vết, họ nhận thấy các dấu chân bỗng biến mất trước một dòng nước.

Truy lùng tên tội phạm tàn bạo nhất thế giới ảnh 1
Binh sỹ Uganda truy tìm Joseph Kony trong rừng biên giới với Cộng hòa Trung Phi
(Ảnh: Reuters)

Truy lùng kẻ “khát máu”

Gần ba thập kỷ qua, Joseph Kony khét tiếng là kẻ cầm đầu đội quân đã giết hại hàng nghìn người và gây dựng được một trong những đội quân trẻ em lớn nhất trong lịch sử. Lực lượng của Kony ban đầu nổi lên ở miền bắc Uganda, nhưng giờ đã lan rộng đến 4 quốc gia, tại những khu vực ngoài vòng pháp luật ở Trung Phi.

Hơn 25 năm trước, Joseph Kony, khi ấy 26 tuổi bỗng mất hút trong rừng. Kể từ đó, đội quân của hắn đã xóa sổ nhiều ngôi làng, đốt cháy nhà có trẻ con bên trong. Chúng còn khét tiếng với tội ác cắt tai, môi, miệng của những người vô tội nhằm răn đe những ai muốn trình báo. 

Joseph Kony xuất thân từ một gia đình tôn giáo ở miền bắc Uganda có “nghề” phù thủy. Khi mới nổi lên, Joseph Kony muốn Quân đội kháng chiến của Chúa trời thiết lập một chính phủ mới, nhưng đội quân ấy dần trở thành lực lượng được ví như một giáo phái giết người. Và nạn nhân phải hứng chịu nhiều đau khổ nhất chính là trẻ em, đội quân của Kony đã bắt cóc hơn 25.000 đứa bé suốt hàng chục năm qua. Khi bắt cóc trẻ em, Kony và quân đội của hắn ta thường giết chết tất cả những người trong gia đình họ để những trẻ em này không còn sự lựa chọn nào khác. Hắn đã biến các bé trai thành những cỗ máy giết người, các bé gái thành vợ hay nô lệ tình dục.

Những ký ức kinh hoàng

Năm ngoái, quân đội Uganda đã bắt được Caesar Acellam, tên chỉ huy cấp cao nhất của LRA từ trước đến nay bị bắt sống và là người biết về Kony nhiều hơn cả. Acellam kể, y đã bị bắt cóc từ khi còn rất trẻ, từng sống bên Kony 20 năm và phần lớn thời gian đó đảm nhiệm công tác tình báo. Hắn ta nói bị ép vào vô số trò tàn bạo mà Kony chỉ huy như bắt cóc trẻ em, dạy lính trẻ con đánh người đến chết hay hãm hiếp các cô gái trẻ.

Theo Acellam, Kony trấn áp bằng sự sợ hãi và dường như y có quyền năng huyền bí, ít nhất trong tâm trí của những đứa trẻ bị bắt cóc là vậy. Như trường hợp của Franklin, Dennis, James hay nhiều thanh niên khác được quân đội Cộng hòa Trung Phi giải cứu vài tháng trước. Họ bị tách khỏi gia đình mình từ lúc 13 tuổi và khi bắt đầu gia nhập lực lượng của Kony, tất cả đều phải trải qua một nghi lễ tôn giáo kỳ lạ. Sau đó, những đứa trẻ này dường như bị tẩy não, và nghe mọi điều Joseph Kony nói. Trong số những điều kinh hoàng nhất về tội ác của Kony được Franklin kể lại là nếu một con tin mới bị bắt cố tình trốn chạy, tất cả bọn trẻ được lệnh cắn cho đến chết.

Với Betty Bigombe, người có hơn 20 năm tìm cách giúp những lính trẻ em Uganda trở về với gia đình mình vẫn nhớ như in rằng, chỉ vài năm trước, người dân miền Bắc Uganda hàng ngày sống trong sự sợ hãi cùng cực. Nhiều năm liền, mỗi tối các gia đình lại đi bộ hàng dặm đường để sơ tán bọn trẻ và trở về nhà vào sáng hôm sau. Tất cả để tránh không cho đội quân của Kony có thể cướp được người.

Truy lùng tên tội phạm tàn bạo nhất thế giới ảnh 2
Chân dung tên bạo chúa Joseph Kony

Cuộc chiến gian nan

Đại tá Kurt Crytzer, người từng tham gia lực lượng Mũ nồi Xanh 23 năm cho biết, ông chỉ huy đội đặc nhiệm của Mỹ ở đây không lâu sau khi Tổng thống Obama quyết định cử quân đội đến Uganda 20 tháng trước đây. “Chúng tôi có mặt ở đây chừng được 1 năm. Lính Uganda luôn đi trước dẫn đường, chúng tôi hỗ trợ phía sau”.

Đại tá Crytzer và các đồng nghiệp là cầu nối giữa quân đội 4 nước châu Phi nhằm truy tìm Kony và đội quân chiến đấu của hắn. Tại Cộng hòa Trung Phi, nơi được tin là Kony có thể ẩn nấp, người Mỹ đào tạo binh lính nước sở tại bằng tiếng Pháp và huấn luyện họ những kỹ năng cơ bản. Còn ở đây, mỗi nhóm 40 binh sỹ Uganda tham gia chiến dịch truy tìm này lại có 2 cố vấn Mỹ. 

Các đội tìm kiếm được huấn luyện kỹ năng cơ bản, trong đó có cả những tình huống bất thường, đó là làm nha sỹ hay thậm chí… đỡ đẻ. Mục tiêu chính của họ là nắm được thông tin để truy tìm tung tích của tên bạo chúa Joseph Kony. Điều này cũng giống như lính đặc nhiệm từng làm trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Tin tình báo của con người đã giúp lính Mỹ tìm ra tung tích hắn, và họ tin rằng trường hợp Joseph Kony cũng như vậy. 

Hiện thời Mỹ đã đổ hàng triệu USD để chiêu mộ binh lính của Kony ra hàng. Lính của Kony được cho là giờ chỉ còn vài trăm người do số lượng đào thoát ngày càng tăng. Gần đây, binh sĩ Uganda đã tiêu diệt được vệ sĩ thân cận nhất của Kony, một dấu hiệu cho thấy ngày cuối cùng của Joseph Kony đã đến rất gần.