8 loại tên lửa Nga giúp quân đội Trung Quốc vươn lên tầm thế giới (Kỳ 2)

Trung Quốc vớ bẫm khi mua được tên lửa Kh-31P

ANTĐ - Cùng với việc nhập khẩu các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 của Nga, Trung Quốc đã mua về hàng loạt tên lửa chống hạm và đối đất để nâng cao sức mạnh tấn công từ trên không, đồng thời mô phỏng lại các loại tên lửa của Nga.
Trung Quốc vớ bẫm khi mua được tên lửa Kh-31P ảnh 1

Máy bay chiến đấu Su-30MK phóng tên lửa Kh-59MK2

1. Tên lửa lưỡng dụng tiên tiến thế hệ đầu tiên Kh-31

Kh-31 là thế hệ tên lửa đa dụng, tốc độ siêu âm do Nga nghiên cứu, chế tạo, bao gồm 2 loại là tên lửa chống hạm (dòng A) và tên lửa chống bức xạ (dòng P). Kh-31A chính là loại tên lửa giúp Trung Quốc lần đầu tiên sở hữu năng lực tấn công chống hạm siêu âm từ trên không.

Đạn tên lửa Kh-31 có chiều dài 4,9m, sải cánh 1,15m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,38m, có tốc độ lên tới Mach3. Nó có trọng lượng phóng 600kg, đầu đạn thuốc nổ công phá cao nặng 100kg. Phiên bản tên lửa chống hạm Kh-31A tầm phóng vẻn vẹn có 50km nhưng phiên bản chống radar Kh-31P có tầm phóng lên tới 110km.

Đầu tiên, Kh-31 chỉ chuyên dụng để chống hạm nhưng sau đó người Nga nhanh chóng nhận ra, nếu thay thế một loại đầu đạn chống bức xạ, nó sẽ lập tức biến thành một loại tên lửa chống radar cực kỳ xuất sắc. Loại tên lửa chống radar này có trọng lượng phóng 600kg, đầu đạn 191 pound (87kg), sử dụng phương thức dẫn đường kết hợp radar chủ động và dẫn đường theo quán tính.

Trung Quốc vớ bẫm khi mua được tên lửa Kh-31P ảnh 2
Loại tên lửa Trung Quốc mua sắm đầu tiên thuộc thế hệ Kh-31

Tên lửa chống bức xạ Kh-31P cũng lần đầu tiên cho phép không quân Trung Quốc có khả năng tấn công các trạm radar mặt đất, radar trên chiến hạm địch. Trước khi mua sắm được tên lửa Kh-31PK và Kh-31PMK của Nga, lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo tên lửa chống bức xạ của Trung Quốc vẫn đang là một con số 0 tròn trĩnh.

Đạn tên lửa Kh-31 có tính thông dụng rất cao, hiện nay Nga đang chế tạo một biến thể mới trên cơ sở Kh-31. Chưa rõ định danh của loại tên lửa này là như thế nào nhưng một số thông tin bên lề cho biết, đầu đạn của nó áp dụng phương thức dẫn đường phức hợp chủ/bị động, tốc độ lên tới 800-900m/s và tầm phóng cũng được nâng cao hơn.

Hiện nay, Nga đã đưa vào sử dụng các phiên bản nâng cấp, thế hệ mới nhất của 2 loại tên lửa này là Kh-31AD và Kh-31PD với tầm phóng vượt trội. Tên lửa chống hạm Kh-31AD có tầm phóng 120km - 160km, trọng lượng đạn 715kg, đầu đạn nặng 110kg. Còn tên lửa Kh-31PD có tầm phóng 180km - 250km, trọng lượng đạn 715kg, đầu đạn nặng 110kg.

Trung Quốc vớ bẫm khi mua được tên lửa Kh-31P ảnh 3
Tên lửa chống bức xạ Kh-31P lần đầu tiên cho phép không quân Trung Quốc
có khả năng tấn công các trạm radar

2. Siêu tên lửa chống hạm Kh-59

Việc mua sắm tên lửa Kh-59 sẽ giúp cho không quân và hải quân Trung Quốc lần đầu tiên có khả năng tấn công chính xác tầm xa các mục tiêu trên biển. Kh-59 do Cục thiết kế Raduga nghiên cứu, chế tạo. Nó có chiều dài 5,7m, sải cánh 1,3m, đường kính thân 0,38m, trọng lượng phóng tối đa 960kg, có thể lắp đặt đầu đạn xuyên 320kg hoặc đầu đạn nổ 280kg. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, tầm phóng tối đa 115km.

Nguyên bản tên lửa Kh-59 sử dụng phương thức dẫn đường bằng vô tuyến, còn phiên bản Kh-59MK sử dụng phương thức dẫn bằng radar thay cho đầu dò vô tuyến và sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn 636MT do Cục thiết kế Saturn chế tạo. Đến phiên bản này, tầm phóng đã được nâng lên tới 285km. Hiện nay, không quân và hải quân Trung Quốc đã bắt đầu được trang bị loại tên lửa tiên tiến này.

Phiên bản mới nhất của dòng Kh-59 là Kh-59ME sử dụng động cơ phản lực cánh quạt R95-300, áp dụng hệ thống dẫn đường theo chỉ lệnh đoạn giữa, có bộ so sánh vô tuyến và hình ảnh độ nhạy cao. Nó có chiều dài 5,7m, sải cánh 1,3m, đường kính thân 0,38m, trọng lượng phóng tối đa 960kg, có thể lắp đặt đầu đạn xuyên 320kg hoặc đầu đạn chùm (phá mảnh) 280kg.

Trung Quốc vớ bẫm khi mua được tên lửa Kh-31P ảnh 4
Cận cảnh tên lửa Kh-59MK2

Kh-59ME có tầm phóng tăng hơn so với nguyên bản (140km còn nguyên bản là 115km) nhưng không mạnh bằng Kh-59MK (285km) và bay với tốc độ chậm hơn (0,72 - 0,88 Mach trên độ cao 200-5000m). Tuy nhiên, nó có khả năng biến đổi độ cao rất tốt với các nấc độ cao không đồng nhất so với mặt biển như: 7m, 50m, 100m, 200m, 600m, 1000m…

3. Tên lửa chống bức xạ thế hệ mới nhất Kh-58

Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, KH-58UShKE là phiên bản nâng cấp mạnh nhất của thế hệ tên lửa chống bức xạ Kh-58, tầm bắn từ 160km nâng lên tới 250km. Đây là loại tên lửa chống bức xạ hạng nặng, tốc độ cao, nhiên liệu rắn, sử dụng đầu dẫn dải rộng, cơ bản phủ kín các dải tần radar hiện các nước trên thế giới đang sử dụng, có khả năng khóa và ghi nhớ nhiều mục tiêu.

Khác biệt lớn nhất của KH-58UShKE với loại tên lửa thế hệ trước KH-58UshE là cánh của đạn tên lửa có thể gấp lại được, điều này giúp tên lửa thu gọn được kích thước. Loại tên lửa này còn được lắp đặt thêm một đầu đạn chùm để nâng cao khả năng phá hủy, chuyên dụng để tấn công các antena bãi rộng hoặc các loại radar phân tách với các xe chỉ huy.

Từ hình dạng kết cấu phần đầu tên lửa và chữ cái thứ 2 (Sh) trong phương pháp đặt tên của tên lửa, có thể nhận thấy KH-58UshKE cũng được lắp đặt đầu dẫn dải rộng, đa tần như KH-58UshE. Chữ cái thứ 3 là “K” dùng để chỉ những biến đổi về kết cấu cánh thân và cánh đuôi tên lửa, chữ “E” là chỉ phiên bản này chuyên dùng để xuất khẩu.

Trung Quốc vớ bẫm khi mua được tên lửa Kh-31P ảnh 5

Cận cảnh tên lửa chống bức xạ thế hệ mới KH-58UShKE

Cục thiết kế Raduga bắt đấu cải tiến KH-58UShE thành KH-58UShKE từ năm 2003, chuyên đụng cho các máy bay dòng Su từ Su-30MKK trở lên. Đặc điểm nổi bật nhất của tên lửa chống bức xạ KH-58UshKE là do các cánh có thể gấp lại được nên nó có thể lắp đặt trên khoang vũ khí trong thân máy bay. Phía dưới chụp che phủ antenna hiệu chuẩn của tên lửa được lắp đặt thêm đầu dẫn hồng ngoại bị động đa dải tần.

KH-58UshKE được chế tạo trên cơ sở loại tên lửa cơ bản dòng Kh-58, lắp đặt thêm cánh thân và cánh đuôi có thể gập xếp. Ngoài Trung Quốc ra, loại tên lửa thiết kế kiểu ASM này hiện chưa được xuất khẩu cho bất cứ nước nào, trong tương lai nó cũng sẽ được trang bị cho các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga là Sukhoi T-50 PAK-FA.

Ngoài ra, với thiết kế tối ưu như trên, KH-58UshKE có thể phù hợp với các giá phóng dạng ổ quay trên máy bay ném bom, đồng thời cũng có thể phóng bằng các ống phóng dạng hộp. Điều này cho phép nó có thể được trang bị trên chiến hạm và trên xe cơ động mặt đất. Trong tương lai, KH-58UshKE sẽ trở thành loại tên lửa chống bức xạ chủ lực thông dụng trên nhiều phương tiện tác chiến khác nhau của quân đội Nga.