Trung Quốc tự ý mở rộng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông?

ANTĐ -Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quanh các vùng biển tranh chấp và sẽ tự ý mở rộng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông. 

Hãy kiềm chế các hành động của Trung Quốc

Quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng, Trung Quốc cùng các nước ASEAN cần xác định rõ những hành động nào là khiêu khích, phải tự nguyện đồng ý chấm dứt các hành động làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs nhắc lại quan điểm của chính quyền Mỹ rằng, cách hành xử “khiêu khích và đơn phương” của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tuân thủ luật pháp quốc tế của nước này.

Trung Quốc tự ý mở rộng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông? ảnh 1
Tàu Trung Quốc (trái) hung hãn đâm tàu kiểm ngư Việt Nam ngày 23/6, gần khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Việt Cường


Mỹ muốn ASEAN và Trung Quốc “thảo luận thực tế và thực chất” để bổ sung cho lời kêu gọi kiềm chế trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà hai bên nhất trí vào năm 2002, nhằm ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), ông Fuchs nói. 

“Chúng tôi đã kêu gọi các quốc gia liên quan làm rõ và đồng ý tự nguyện dừng các hành động, hoạt động làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực như được mô tả trong DOC”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Fuchs nói với nhóm cố vấn ở Washington. 

Ông Fuchs cho biết, đã nói chi tiết đề xuất này với cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Một quan chức Mỹ nói rằng, vấn đề này được nêu với Trung Quốc vào tuần trước tại Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên. Quan chức này từ chối nói về phản ứng của Trung Quốc. 

Ông Fuchs nói rằng, việc quyết định những hành động nào cần phải dừng lại tùy thuộc các nước liên quan, nhưng có thể bao gồm việc tái cam kết không lập thêm tiền đồn mới hoặc chiếm đoạt lãnh thổ mà nước khác đã chiếm đóng trước khi có DOC năm 2002.

Ông cho rằng, các nước liên quan cũng cần đồng ý kiềm chế triển khai các biện pháp đơn phương chống lại những hoạt động kinh tế lâu nay của nước liên quan trong các khu vực tranh chấp. “Thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến bên nào trừ khi tất cả các nước liên quan đồng ý với từng điều khoản”, ông Fuchs nói. 

Ông Ni Lexiong, nhà bình luận các vấn đề quân sự tại Thượng Hải (Trung Quốc), nói rằng, những ý kiến của ông Fuchs cho thấy, Washington đang lo lắng về “sự bành trướng của Trung Quốc”, nhưng Bắc Kinh có thể đã phớt lờ những đề xuất này. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn và sẽ tự ý mở rộng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép trên biển Đông. 

Trung Quốc đơn phương tuyên bố cấm khai thác dầu trên biển Đông

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố mọi hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các công ty nước ngoài trên biển Đông mà không có sự cho phép của Trung Quốc là "bất hợp pháp".

"Nếu không có sự cho phép từ phía Trung Quốc, hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt của bất kỳ công ty nước ngoài nào trên vùng biển mà Trung Quốc có quyền pháp lý đều là phi pháp và vô giá trị", trang tin Rappler của Philippines dẫn lời ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10-7 tại Bắc Kinh.

Trung Quốc tự ý mở rộng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông? ảnh 2
Đường lưỡi bò phi lý Trung Quốc dựa vào để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ
Biển Đông.

Tuyên bố của ông Hồng Lỗi, nhằm chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines hôm 9-7 gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

Ông Hồng Lỗi còn tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc "có chủ quyền không tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận.

Charles Jose, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines từ chối bình luận về phát ngôn của ông Hồng Lỗi, đồng thời cho biết, Manila sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này vào ngày 14-7, Manila Standard Today cho hay. "Nếu Trung Quốc nghĩ rằng có thể đe dọa Philippines bằng chiến thuật đe dọa thì đó là một sai lầm", ông Walden Bello, một nghị sĩ Philippines, nói.

Với tuyên bố đường 9 đoạn, rồi sau thành 10 đoạn, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích biển Đông, vùng biển có những tuyến hàng hải quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu khí lớn. Những tuyên bố đó không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử thích đáng và không được bất kỳ bên liên quan nào công nhận.

Mới đây, Bắc Kinh còn công bố một bộ phim tài liệu dài tập các hoạt động trên biển Đông, được các chuyên gia đánh giá là một tín hiệu nữa nhằm thể hiện quyết tâm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền tham lam của nước này.

Giới học giả và cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích yêu sách “đường lưỡi bò”

Mới đây học giả Lý Lệnh Hoa, cựu chuyên viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc, đăng trên trang cá nhân bài viết mang tựa đề “Tuổi thọ của đường 9 đoạn còn được mấy ngày?", lên án thái độ của một số chuyên gia và báo chí Trung Quốc tỏ ra xem thường vụ Philippines kiện nước này về yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông. Bài viết cho rằng một khi Tòa án quốc tế ra phán quyết đường 9 đoạn vô hiệu lực và Trung Quốc có bác bỏ đi nữa thì phán quyết này vẫn sẽ được các nước ven biển Đông và cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này

Bên cạnh đó, trên diễn đàn Bbs.tianya.cn nổi tiếng của Trung Quốc, một tài khoản tên Bạch Khánh Lâm đăng bài phê phán việc tỉnh Hồ Nam lần đầu phát hành bản đồ khổ dọc có đường lưỡi bò 10 đoạn (thêm 1 đoạn gần Đài Loan) ôm gần trọn biển Đông hồi tháng 6. Bài viết nhận định việc đường lưỡi bò được thêm 1 đoạn chỉ là “trò trẻ con” và lập luận rằng bản thân đường 9 đoạn hiện nay không còn đứng vững và bị cộng đồng quốc tế bác bỏ mạnh mẽ “chứ nói gì đến 10 đoạn”.