Trung Quốc: Mối lo khủng bố ngày càng rõ nét

ANTĐ - Trong vòng hơn 2 tháng qua, tại Trung Quốc đã xảy ra 3 vụ tấn công đẫm máu ở nhà ga - nơi tập trung đông người, gây hậu quả nghiêm trọng. Nguy cơ khủng bố đang bắt đầu phủ bóng đen lên quốc gia đông dân nhất thế giới này, và càng rõ hơn sau một loạt động thái đối phó của chính quyền Bắc Kinh.  

Cảnh sát Trung Quốc siết chặt an ninh tại nhà ga ở Urumqi sau vụ tấn công khủng bố

Nhằm vào thời điểm “nhạy cảm”

Theo thống kê của nhà chức trách Trung Quốc, riêng trong năm 2013 đã có ít nhất 10 vụ tấn công liên quan đến khủng bố làm khoảng 100 người thiệt mạng. Các vụ tấn công mang tính chất thách thức chính quyền đều có chung đặc điểm như nhằm vào các địa điểm công cộng để gây thương vong lớn và diễn ra ngay trước thềm các sự kiện chính trị quan trọng của nước này.

Vụ tấn công gần đây nhất xảy ra ở nhà ga Quảng Châu hôm 6-5, nghi phạm khủng bố đội mũ trắng đã dùng dao đâm bị thương ít nhất 6 hành khách, khiến cảnh sát phải nổ súng bắn chết tại hiện trường. Trước đó 1 tuần, khoảng 19h tối 30-4, hai kẻ tấn công cũng đã gây ra 2 vụ nổ sau khi điên cuồng dùng dao đâm hành khách tại cửa ra của nhà ga ở Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương. 3 người đã thiệt mạng, bao gồm cả 2 kẻ tấn công, và 79 người khác bị thương. Các bức ảnh được đăng tải trên truyền thông Trung Quốc cho thấy đất đá, hành lý văng lộn xộn, xe máy bị cháy rụi và cảnh sát vũ trang xuất hiện dày đặc ở khu vực nhà ga Urumqi. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố có tính toán trước. Lực lượng cảnh sát Tân Cương đã phát lệnh truy nã 10 thành viên trong gia đình của 1 trong 2 kẻ tấn công, bởi nghi ngờ chúng hành động cùng nhau.

Điều đáng đề cập là trước khi xảy ra cuộc tấn công này vài giờ, ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm lực lượng quân đội Tân Cương. Trong chuyến thị sát tại Tân Cương bắt đầu từ ngày 27-4, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Hễ là khủng bố thì phải đánh, lộ đầu ra là phải dập”. Sáng 30-4, truyền hình nước này còn đưa tin ông Tập Cận Bình gặp gỡ các công nhân trước ngày Quốc tế lao động và tiếp lãnh tụ tôn giáo ở Urumqi. Kế hoạch tấn công của các phần tử khủng bố tại Urumqi rõ ràng là lời đáp trả những chỉ thị chống khủng bố của chính quyền Trung Quốc, tờ Hoa Nam dẫn lời một nhà phân tích giấu tên cho biết. Cuộc tấn công này cho thấy sự thất bại trong kiểm soát an ninh và phản ánh những yếu kém trong công tác thu thập thông tin tình báo của chính quyền Tân Cương, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu an ninh hoàng gia từ London, Raffaello Pantucci bình luận.

Nạn nhân trong vụ tấn công tại Côn Minh được đưa đi cấp cứu

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Tân Cương cho thấy những lo ngại của chính quyền Bắc Kinh trước nguy cơ khủng bố đã và đang ngày càng rõ nét ở Trung Quốc. Ngày 1-3, chỉ 4 ngày trước Kỳ họp thứ 2 của Hội nghị Đại hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc khóa 12 khai mạc tại Bắc Kinh, tại nhà ga Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xảy ra vụ  tấn công khủng bố khiến 29 người thiệt mạng, hơn 130 người bị thương. Nghi phạm được cho là do những kẻ theo chủ nghĩa ly khai người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương vì có những lá cờ mang biểu tượng của tổ chức Phong trào hồi giáo Đông Turkestan tại hiện trường. 4 trong tổng số 8 đối tượng tấn công đã bị cảnh sát bắn chết, 1 đối tượng nữ bị thương và 3 kẻ còn lại bị bắt giữ sau 3 ngày gây án.  

Không chỉ nhằm vào nơi công cộng, ngay cả địa điểm được coi như biểu tượng quyền lực của đất nước Trung Quốc - quảng trường Thiên An Môn ở Thủ đô Bắc Kinh cũng từng bị các phần tử khủng bố tấn công. Trưa 28-10-2013, một chiếc xe jeep đã lao vào đoàn khách bộ hành, sau đó đâm vào cầu Kim Thủy ở quảng trường Thiên An Môn, gây ra vụ cháy nổ dữ dội ngay trước ảnh chân dung cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và khiến 5 người thiệt mạng, 38 người khác bị thương. Nghi phạm thực hiện vụ tấn công này được cho là các phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hai ngày sau đó, cảnh sát đã bắt sống 5 nghi phạm, còn 3 người chết trong chiếc xe tại hiện trường được xác định là đồng phạm gây ra vụ tấn công. Cảnh sát sau đó tìm thấy thùng đựng xăng, dao, gậy sắt và cờ in biểu tượng tôn giáo cực đoan  như “Thánh chiến” trên chiếc xe tấn công “liều chết”. 

Vụ khủng bố này xảy ra vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm, ngay trước Hội nghị lần thứ 3 khóa 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức từ ngày 9 đến 12-11-2013. Đây là hội nghị được đánh giá mở ra trang mới trong lịch sử Trung Quốc với nội dung đưa ra nhiều cải cách “chưa từng có” về kinh tế và xã hội.

Người dân thắp nến tưởng niệm nạn nhân trong vụ thảm sát bằng dao 
tại nhà ga Côn Minh

“Hành động kiên quyết”

Chuyến thăm vừa qua là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đến Tân Cương kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố sẽ “hành động kiên quyết” đối với các vụ tấn công khủng bố. “Cuộc chiến chống lại bạo lực và khủng bố không thể xao nhãng dù một phút một giây nào và phải có các hành động quyết liệt để kiên quyết trấn áp cơ hội của bọn khủng bố”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình sau vụ tấn công ở Tân Cương hôm 30-4. 

Vấn đề Tân Cương cũng đã được ông Tập Cận Bình đề cập đến nhiều lần. Ủy ban An ninh quốc gia Trung Quốc từng khẳng định, khủng bố từ nội địa luôn là mối lo lớn đối với an ninh đất nước. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại ít nhất 15 lần cụm từ “chống khủng bố” trong những tháng qua được xem là dấu hiệu báo động về an ninh quốc gia Trung Quốc trước nguy cơ khủng bố. 

Theo các chuyên gia, chẳng mấy khi các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất của Trung Quốc đích thân đi thăm phía nam Tân Cương. Đây là nơi tập trung cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ nghèo khó nhất của Tân Cương và cũng là nơi thường xuyên bất ổn. Vì thế chuyến thăm hiếm hoi của Chủ tịch Trung Quốc là để xác định và tăng cường cuộc chiến chống khủng bố. Việc đến Tân Cương gặp gỡ với những người trong guồng máy an ninh là cách gián tiếp của chính quyền trung ương cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để mở rộng cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tìm cách tiến hành nhiều biện pháp hơn để phát triển Tân Cương, nhất là phía nam Tân Cương. 

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có luật phòng chống khủng bố. Trước nguy cơ hiện hữu, tờ Global Times ngày 4-5 cho biết, giới chức Trung Quốc đã xúc tiến ban hành luật chống khủng bố. Theo Lý Vỹ, một chuyên gia về chống khủng bố của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, Luật Phòng, chống khủng bố từng được các nhà lập pháp nước này thảo luận từ năm 2005 nhưng sau vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương lần này, dự luật chống khủng bố có thể sẽ được ban hành. Pháp luật sẽ xác định những gì cấu thành một hành động khủng bố để định tội. Hiện nay, cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn giải quyết các vụ khủng bố theo Luật hình sự của nước này. Được biết, tại trường Đại học Công an Trung Quốc, chuyên ngành chống khủng bố cũng vừa được mở và bắt đầu chiêu sinh.

(Còn tiếp)