Trung Quốc lạc lối trong phát triển tiêm kích thế hệ 5

ANTĐ - Giới truyền thông cho rằng, ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc đang tập trung lực lượng chế tạo hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 và J-31. Đồng thời, đã bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm 2 loại tiêm kích tàng hình J-23 và J-25.

Tạp chí quốc phòng Israel, thời gian gần đây tiết lộ rằng, các kỹ sư nghiên cứu thiết kế máy bay của Trung Quốc đang làm việc thêm giờ để phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất. Căn cứ vào thông tin mật mà phóng viên Israel có được, những máy bay tàng hình này là do công ty công nghiệp máy bay Thành Đô nghiên cứu.

Truyền thông Israel cho rằng, loại máy bay tiêm kích trên của Trung quốc là sản phẩm sao chép kỹ thuật quân sự của Mỹ và Israel. Trong đó, mẫu J-23 tương đối giống với thiết kế loại máy bay F-22 Raptor của Mỹ và là loại máy bay dành riêng cho việc đối phó với loại máy bay chiến đấu này. Còn J-25 cũng có khả năng đối phó hiệu quả với F-22.

Hiện nay Mỹ đã bắt đầu tăng cường sử dụng các máy bay chiến đấu F-22. Ví dụ như, vào mùa xuân năm 2013, trước bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, Mỹ đã phái hai máy bay chiến đấu F-22 đến Hàn Quốc tham gia tập trận chung.

Phóng viên Israel cũng nghi ngờ về việc kỹ sư Trung Quốc liệu có thể nghiên cứu thành công loại máy bay khó phát hiện nhất trên thế giới này, nhưng theo các phóng viên trên, bất luận như thế nào thì những dự án này cũng sẽ khiến cho quân đội Mỹ phải tập trung chú ý.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 theo tưởng tượng của dân mạng Trung Quốc

Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện 2 vấn đề lớn trong công nghiệp hàng không Trung Quốc, một là họ đang loạn định hướng phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5; hai là trong thiết kế của J-20 và J-31 có những khiếm khuyết lớn mà J-23 và J-25 cần phải phát triển để bổ khuyết vào những điểm yếu đó.

Ngày 22-12 vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 là J-20 của Tập đoàn hàng không Thành Đô có 3 điểm yếu lớn. Thứ nhất là không tự chủ về sản xuất động cơ; thứ hai là 2 động cơ của máy bay chiến đấu J-20 được đặt quá gần nhau, có thể tạo ra luồng xoáy nguy hiểm khi cả 2 động cơ đều hoạt động ở tốc độ cao.

Điểm yếu thứ 3 là thiết kế của phần thân máy bay chiến đấu J-20 dường như không phù hợp. Trong khi khoang chứa vũ khí đã được thiết kế đủ rộng để mang theo nhiều loại vũ khí thì phần cánh máy bay lại có vẻ quá nhỏ. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, việc thiết kế khí động học thiếu chính xác sẽ làm giảm khả năng tàng hình và sự cơ động của máy bay chiến đấu J-20.

Tiêm kích J-25 theo tưởng tượng của dân mạng Trung Quốc là một thiết kế hỗn tạp Nga-Mỹ

Trong 3 điểm yếu này, có 2 vấn đề thuộc về cấu trúc khí động học của máy bay, để khắc phục được đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về thiết kế nên rất có thể nguyên mẫu J-23 và J-25 ra đời nhằm khắc phục những khiếm khuyết này. Ngoài những loại máy bay kể trên, hiện nay còn xuất hiện những thông tin Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-18.

Dù chúng được ra đời với mục đích gì cũng chứng tỏ Trung Quốc đang mất định hướng trong phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5. Đối với một quốc gia, việc phát triển chỉ một loại máy bay thế hệ thứ 5 là một quãng đường dài. Ngay cả Mỹ, với những kinh nghiệm phát triển F-22, cũng mất vài chục năm mà chưa hoàn thiện được F-35 hay Nga chỉ với dự án chế tạo tiêm kích tàng hình PAK FA Sukhoi T-50 mà vẫn chưa hoàn tất.

Hiện nay, những điểm yếu về kết cấu khí động học, động cơ, hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động, tên lửa không đối không tầm xa, tên lửa chống máy bay cảnh báo sớm trên không… vẫn chưa được khắc phục, ngay cả dự án chế tạo 1 loại máy bay của Trung Quốc vẫn còn đang đầy khuyết điểm mà họ đồng loạt phát triển 4-5 loại máy bay chiến đấu tàng hình không khỏi khiến người ta nghĩ đến một sự hoang đường.