Trung Quốc dùng sách "ma" chứng minh chủ quyền ở Biển Đông

ANTĐ - Phóng viên John  Sudworth của Đài BBC (Anh) mới đây đã đến đảo Hải Nam, Trung Quốc để tìm hiểu về một cuốn sách 600 năm tuổi mà Trung Quốc rêu rao là “có chứa đựng một số bằng chứng quan trọng” về lợi ích của nước này trên Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế chưa ai được nhìn thấy cuốn sách này.

Phóng viên Đài BBC trò chuyện với ông Tô Thừa Phân

Vứt bỏ “bằng chứng thép”?!

Theo BBC, đảo Hải Nam là nơi mọi hoạt động đều phục vụ cho mục đích tuyên truyền của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, từ chính sách quân sự cho đến ngư nghiệp hay du lịch.

Vì vậy, để tìm hiểu cách Trung Quốc tuyên truyền cũng như cuốn sách đặc biệt kể trên, phóng viên Đài BBC đã tới cảng cá Đàm Môn bên bờ biển phía đông của Hải Nam. Truyền thông Trung Quốc cho hay, cuốn sách thuộc quyền sở hữu của một ngư dân tên Tô Thừa Phân. Cuốn sách được cho là đã ghi chép lại những chỉ dẫn hàng hải chính xác về đường đi tới các bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi, ông Tô, 81 tuổi, cho biết cuốn sách được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Từ đời ông, đến cha tôi rồi tới tôi”, ông Tô nói. “Chủ yếu nó chỉ dẫn cách đi đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam) rồi quay trở lại đảo Hải Nam”.

Nhưng khi phóng viên Sudworth đề nghị ông Tô cho xem cuốn sách, ông lại nói rằng cuốn sách hiện không tồn tại. “Mặc dù cuốn sách quan trọng nhưng tôi đã vứt đi vì nó bị hỏng rồi”, ông Tô giải thích, “Tôi lật giở nó quá nhiều lần. Nước biển mặn trên đôi tay đã ăn mòn nó... Cuối cùng, tôi không thể đọc nổi nó nữa nên quyết định vứt đi”.

Điều đáng nói là chỉ cách đây vài tuần, truyền thông Trung Quốc còn rầm rộ đưa tin về cuốn sách, khẳng định nó là “bằng chứng thép” chứng minh tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Theo Sudworth, dù ông Tô có lý giải thế nào thì cuốn sách lúc này dường như không còn là “bằng chứng thép” của bất kỳ thứ gì nữa. Thay vào đó, nó chỉ cho thấy sự lúng túng của truyền thông nhà nước Trung Quốc trong việc cung cấp những thông tin nhằm chứng minh cho tuyên bố chủ quyền phi lý.

Cuộc chiến tuyên truyền

Phóng viên John Sudworth kể: “Chúng tôi đi đến đâu cũng có một số xe hơi màu đen của nhà chức trách bám theo; từ bến cảng nơi chúng tôi cố gắng phỏng vấn các ngư dân, tới chợ cá nơi chúng tôi nói chuyện với thương lái và về đến tận cửa khách sạn chúng tôi ở”. Theo ông, “sự chú ý có vẻ không cần thiết lắm vì hầu như tất cả những người chúng tôi tiếp cận đều không muốn nói chuyện. Những người đồng ý phỏng vấn thì lặp lại những thông tin chính thống của chính quyền rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì các ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên đặt chân đến”.

Tất cả những động thái trên được thực hiện trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) dự kiến đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhận được một phán quyết bất lợi, thậm chí có thể bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường 9 đoạn” vốn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra.

Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện cũng như không chấp nhận thẩm quyền xét xử của PCA. Đó là lý do vì sao Trung Quốc ra sức bảo vệ lập trường của nước này bằng những biện pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường ngoại giao để thu hút sự ủng hộ từ các nước khác. Thế nhưng, báo The Wall Street Journal của Mỹ mới đây cũng có bài viết phanh phui sự thật về chuyện Trung Quốc tự nhận có 60 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này ở Biển Đông. Theo tờ báo này, đây chỉ là một “danh sách ma”.

Phóng viên BBC kết thúc chuyến đi Hải Nam ở thành phố Tam Á, nơi họ chứng kiến một con tàu du lịch chuẩn bị lên đường đến quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Tour du lịch 5 ngày này bắt đầu từ năm 2013, đến nay đã có hàng nghìn người Trung Quốc tham gia, nhưng lại không dành cho du khách nước ngoài.

Theo BBC, đó là tour du lịch kỳ lạ khi hành khách chỉ tới những rạn san hô và bãi đá hầu như không có người ở, cách rất xa Trung Quốc. Phóng viên BBC hỏi một phụ nữ trước khi cô lên tàu về thắc mắc trên, thì được trả lời rằng: “Chúng tôi cũng không thích thú gì. Đi tới đó là nghĩa vụ của chúng tôi”.