Trung Quốc: Dân biểu tình “phá”dự án gây ô nhiễm

ANTĐ - Nhà chức trách Trung Quốc đã phải hủy bỏ dự án đưa nước thải công nghiệp ra biển sau khi hơn 10.000 người xuống đường biểu tình, đập phá xe cộ, xông vào tòa nhà chính phủ, xô xát với cảnh sát tại thành phố Khởi Đông, tỉnh Giang Tô.

Người dân biểu tình tụ tập, lật đổ xe cảnh sát

Ngay từ 6h sáng 28-7, hàng nghìn người đã đổ ra các đường phố ở Khởi Đông hô vang khẩu hiệu bảo vệ môi trường. Chỉ khoảng 10 phút sau, đám đông phá vỡ các hàng rào của cảnh sát, tiến về phía tòa nhà chính quyền thành phố.

Những người biểu tình xô đổ cổng sắt tòa nhà, phá vỡ cửa kính, xông vào văn phòng của các quan chức. Tại đây, họ đập phá máy tính, lật đổ bàn ghế và ném tài liệu ra ngoài cửa sổ trong khi đám đông bên ngoài hò reo. Khi phát hiện ra rất nhiều chai rượu ngoại trong các phòng của quan chức, họ đã lấy đi vì cho rằng đây là đồ hối lộ quan chức. Bên ngoài tòa nhà, hàng trăm người biểu tình ném chai nhựa, gạch đá về phía cảnh sát. Trên đường phố, người biểu tình cũng lật đổ nhiều ô tô, xô xát với cảnh sát. Ít nhất 2 nhân viên cảnh sát đã bị thương. 

Đó là đường ống nước thải từ một nhà máy giấy ở thành phố Nam Thông đổ ra biển tại một trong những cảng đánh cá ở Khởi Đông. Một người biểu tình cho biết, lượng nước thải lên đến 150.000 tấn mỗi ngày khi nhà máy này hoạt động hết công suất. “Chính phủ nói rằng nước thải sẽ không gây ô nhiễm môi trường biển, nhưng nếu đúng như vậy, tại sao họ không đưa đường ống dẫn nước thải này đổ ra sông Dương Tử? Đó là bởi vì nếu nước thải đổ ra sông, nó sẽ gây ảnh hưởng đến người dân ở Thượng Hải và họ sẽ phản đối” - Lục Thư Ái, 25 tuổi, người tham gia biểu tình nói. 

Ngay sau đó, ông Trương Quốc Hoa, Thị trưởng thành phố Nam Thông tuyên bố, thành phố sẽ chấm dứt kế hoạch xây đường ống dẫn nước thải này. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, họ không tin vào thông báo trên của nhà chức trách và nói rằng mọi việc cần phải được tiếp tục theo dõi. Nhiều người biểu tình đã giải tán sau thông báo trên, tuy nhiên, tình trạng căng thẳng vẫn chưa chấm dứt khi vẫn còn nhiều người ở lại khu vực biểu tình. 

Đây là dự án công nghiệp thứ hai bị hủy bỏ trong vòng hơn một tháng qua tại Trung Quốc do người dân biểu tình phản đối. Tháng trước, giới chức Trung Quốc buộc phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy kim loại ở tỉnh Tứ Xuyên do bị người dân phản đối gay gắt với những lo ngại về tác động đối với môi trường. Những cuộc biểu tình phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, nơi ngành công nghiệp phát triển một cách nhanh chóng và không được quản lý chặt chẽ trong 30 năm qua, gây ra nhiều vụ nhiễm độc tập thể và những bê bối về sức khỏe làm cho người dân lo sợ.

Một phóng viên Nhật Bản đã bị cảnh sát tấn công khi đang theo dõi vụ biểu tình trên. Theo tờ Asahi, một nam phóng viên đang chụp ảnh người biểu tình thì bị khoảng 15 nhân viên cảnh sát bao vây, giật máy ảnh, đẩy ngã xuống đất và đánh phóng viên này trong khoảng 20 giây. Thẻ nhà báo của phóng viên này cũng bị tịch thu.