Trung Quốc chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ Nga

ANTĐ - Theo trang Sina Military Network, sau khi Công ty động cơ máy bay Shenyang Liming thất bại trong việc chế tạo các động cơ WS-10 Taihang cho máy bay chiến đấu J-10 của Tập đoàn Công nghiệp máy bay Chengdu, Trung Quốc vẫn buộc phải phụ thuộc vào động cơ AL31FN-S3 do Nga sản xuất.

Trung Quốc đã lắp đặt thành công động cơ WS-10 Taihang trên các chiến đấu cơ J-11, vốn được phát triển dựa trên mẫu tiêm kích Su-27 của Nga, và điều này chứng tỏ nước này có khả năng tự chế tạo được các động cơ cho các loại máy bay hiện đại. Tuy nhiên, động cơ Taihang lại cho thấy nó không thích hợp với chiến đấu cơ J-10 do có trọng lượng khá nặng, từ đó, làm giảm độ linh hoạt của máy bay trong quá trình bay ở tốc độ vượt âm.

Trung Quốc chưa thể chế tạo được động cơ thích hợp cho tiêm kích J-10

Tỉ lệ thất bại của động cơ AL-31FN trên chiến đấu cơ J-10 cũng cao hơn động cơ AL-31F trang bị trên Su-27. Do không giống với Su-27, vốn có tới 2 động cơ, J-10 là mẫu máy bay một động cơ, điều có nghĩa là các yêu cầu động cơ của J-10B sẽ còn cao hơn của J-11 hay Su-27. Với việc không có một động cơ nội địa thích hợp, Trung Quốc buộc phải sử dụng động cơ Nga cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Trên thực tế, chiến đấu cơ J-10B đang được nâng cấp theo xu hướng phù hợp hơn với các động cơ nội địa chứ không phải động cơ Nga, tuy nhiên, Trung Quốc lại chưa thể chế tạo được loại động cơ nào ổn định cho tiêm kích này.

Bên cạnh các vấn đề kĩ thuật, Trung Quốc cũng đang muốn chứng minh rằng, họ có khả năng tự chế tạo động cơ cho mình. Nếu Shenyang Liming không thể hoàn thành việc phát triển động cơ WS-10, hình ảnh về mặt kĩ thuật và quân sự của một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.