Trung - Nhật căng thẳng tranh chấp biển đảo

ANTĐ - Ngày 20-8, Nhật Bản đã thúc giục Trung Quốc bảo vệ công dân Nhật sau các cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ tại các thành phố ở Trung Quốc cuối tuần qua và nhấn mạnh rằng vấn đề đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông không nên gây tổn hại cho quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất của châu Á.

Một người biểu tình ở Thâm Quyến, Quảng Đông phá chiếc xe cảnh sát do Nhật Bản sản xuất hôm 19-8

Nhật khuyến cáo công dân đề phòng

Phát biểu trước các phóng viên hôm qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura bác bỏ phản đối của Trung Quốc về việc 10 công dân Nhật Bản đặt chân lên đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và khẳng định, chuyến thăm của họ hôm chủ nhật 19-8 trên đảo Uotsuri, hòn đảo lớn nhất Senkaku chỉ là vấn đề nội bộ vì đây là vùng lãnh thổ của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Fujimura cho biết, việc này là đáng tiếc bởi 10 người này, trong đó có nghị sỹ đã vi phạm quy định của Nhật Bản là cấm bất kỳ ai, trừ các quan chức chính phủ lên hòn đảo thuộc tỉnh Okinawa này. Hôm qua, cả 10 người đều đã bị cảnh sát Okinawa thẩm vấn. 

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Fujimura kêu gọi chính quyền Trung Quốc đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật Bản khi những người biểu tình chống Nhật đập phá các công ty, nhà hàng và xe cộ Nhật tại Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ra khuyến cáo yêu cầu công dân nước mình đề phòng khi đi du lịch ở Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc “hăm dọa”

Truyền thông Trung Quốc hôm qua đã đồng loạt lên án Tokyo. Nhật báo tiếng Anh China Daily cho rằng việc tung cờ Nhật trên quần đảo Điếu Ngư mà phía Nhật hiện đang kiểm soát với tên gọi Senkaku, là sự “xúc phạm” đến chủ quyền của Trung Quốc. Còn tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói Nhật nên nhận thức hậu quả hành động của họ và kêu gọi đàm phán giải quyết tranh chấp. Tờ Thanh niên Trung Hoa nhật báo lại cổ vũ cho lời kêu gọi người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, coi đó là một cách thể hiện quan điểm của họ đồng thời cũng kêu gọi mọi người bình tĩnh, tuân thủ luật pháp sau các vụ biểu tình biến thành bạo lực.

Lý giải về cuộc đổ bộ của người Nhật lên đảo Senkaku, Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa xã cho rằng, sự thất vọng ngày càng lan rộng trong công chúng Nhật Bản trước việc nước họ bị Trung Quốc vượt qua về kinh tế đã tạo điều kiện cho các nhân vật bảo thủ cổ súy cho hành động căng thẳng với Trung Quốc. Tân Hoa Xã cũng dẫn lại các học giả Nhật cho rằng khi xã hội Nhật Bản đang bị phủ bóng đen trước xu hướng suy giảm kinh tế cũng như sự mất niềm tin thì những lời lẽ về “mối đe dọa Trung Quốc” có thể “giúp công chúng Nhật có cảm giác an ủi”. “Chính phủ Nhật nên hành động với tinh thần trách nhiệm cao và nhìn từ đại cục của mối quan hệ Trung-Nhật để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bất kỳ tranh chấp nào,” Tân Hoa Xã kêu gọi.

Dẫn lời một chuyên gia, tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ bản của Nhân dân nhật báo lại cho rằng việc tuyên bố chủ quyền đảo của nhóm 10 người trên thể hiện “ảo tưởng của người Nhật”. Bài xã luận vào ngày 20-8 của báo này đã đe dọa Nhật Bản rằng: “Việc trì hoãn sử dụng biện pháp quân sự không có nghĩa là Trung Quốc e ngại chiến tranh”. Cũng theo Hoàn cầu, ai thắng chung cuộc trong vấn đề Điếu Ngư sẽ dựa vào “sức mạnh” và với sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, Nhật Bản sẽ phải dần từ bỏ quyền kiểm soát của mình.