Trục lợi “sốt” ảo xe máy

ANTĐ - Vừa mới ra khỏi “lò”, cùng lúc 2 mẫu xe mới của Honda là Vision và Yamaha là Nozza đã bị loạn giá. Các đại lý bán lẻ 2 mẫu xe này đều bán chênh 2-3 triệu đồng/xe, thậm chí là 4 triệu đồng/xe so với giá công bố của nhà sản xuất.

Vẫn lấy lý do cũ, chủ các đại lý giải thích do “hết xe” nên giá bán đắt hơn, khiến thị trường xe máy lại bước vào thời điểm loạn giá, khan hàng. Người tiêu dùng hoang mang, tranh nhau mua sợ hết hàng, sợ xe tiếp tục lên giá, vô tình tạo điều kiện cho đại lý thu mấy lần lợi nhuận.

Đây không phải lần đầu tiên, thị trường xe máy xảy ra tình trạng này. Trước đó, những “cơn sốt” xe Lead,

Airblade, PCX... của Honda từng khiến người tiêu dùng Việt Nam phải chịu mức giá chênh lệch đến 10 triệu đồng/xe so với giá bán của nhà sản xuất. Người tiêu dùng nghi ngờ, phải chăng khi thị trường xe tay ga đang ế ẩm, các đại lý chính hãng tranh thủ kiếm lời trên mẫu xe mới vừa ra khi nhu cầu mẫu xe này đang cao, nguồn hàng từ nhà máy chưa về nhiều? Liệu nhà sản xuất có “bắt tay” với đại lý để tạo “cơn sốt” ảo với các mẫu xe mới, nhằm tạo tiền đề ấn tượng và sức mua lâu dài hơn với những mẫu xe này...?

Trong khi nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam còn hạn chế, chưa biết tự bảo vệ mình thì những biện pháp căn cơ để can thiệp thị trường, giải quyết tình trạng nhiễu loạn này từ cơ quan quản lý dường như chưa có. Nếu coi giá bán của nhà phân phối công bố là giá niêm yết thì khi tăng giá bán, đại lý phải báo cáo với cơ quan chức năng. Xét thấy tăng giá bất hợp lý, cơ quan chức năng cần can thiệp, xử lý theo đúng pháp luật. Đáng nói hơn, xe máy có giá trị tương đối cao so với thu nhập hiện tại của người dân Việt Nam. Vì thế, nếu thả nổi quản lý giá xe máy, người dân sẽ chịu thiệt đơn thiệt kép. Nếu không có biện pháp quản lý cứng rắn, thị trường xe máy sẽ còn nhiều đợt khan hàng, sốt giá và người kinh doanh trục lợi.