- Máy bay Mỹ đã theo dõi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch?
- Hàn Quốc báo động sẵn sàng chiến đấu sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
- Quốc tế quan ngại về tuyên bố thử bom H của Triều Tiên

Người dân Bình Nhưỡng theo dõi thông tin phát trên truyền hình nước này về tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 6-1
Không chỉ khu vực Đông Bắc Á mà cả thế giới khi vừa bước sang năm mới 2016 đã chấn động trước vụ thử hạt nhân ngày 6-1 của Triều Tiên. Không những thế, theo tuyên bố chính thức nước này, đây là vụ thử thành công bom Hydro (bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H), loại bom hủy diệt, có sức công phá mạnh hơn gấp nhiều lần bom nguyên tử (bom A).
Trước vụ thử bom nhiệt hạch nói trên, Triều Tiên đã 3 lần thử bom nguyên tử vào các năm 2006, 2009 và 2013. Song đây là lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố thử và thử thành công bom nhiệt hạch, loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đáng sợ bậc nhất do con người chế tạo ra cho đến nay và hiện trên thế giới mới chỉ có 5 quốc gia phát triển và có tiềm lực nhất sở hữu là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Chính vì thế đã có nhiều nghi ngờ về tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, nhất là khi số liệu quan trắc ghi nhận cơn địa chấn xảy ra tại khu thử hạt nhân tuyệt mật Punggye-ri ở Đông Bắc Triều Tiên chỉ có cường độ 5,1 độ richter. Chuyên gia kiểm soát vũ khí và chính sách hạt nhân trụ sở của Australia Crispin Rovere nhận định rằng, dữ liệu địa chấn đo được cho thấy vụ nổ nhỏ hơn nhiều so với sức công phá từ vụ thử bom nhiệt hạch.
Ông Bruce Bennett, chuyên gia phân tích cao cấp về quốc phòng thuộc tập đoàn Rand của Mỹ cũng cho rằng, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không phải là thử bom nhiệt hạch vì “nếu là bom nhiệt hạch thì chỉ số đo được sẽ lớn hơn 10 lần những gì đã thấy và địa chấn sẽ phải đạt trong khoảng 7 độ richter hoặc lớn hơn nữa”. Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện phân tích quốc phòng của Hàn Quốc Seong Chai-Ki nhìn nhận rằng, vụ nổ này có thể là vụ thử phân rã hạt nhân, tiền giai đoạn tiến tới sản xuất bom nhiệt hạch.
Trước đây, sau 3 lần thử vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đều phải nhận sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nay dù thế giới còn đang hoài nghi đây có thực sự là một vụ thử vũ khí nhiệt hạch hay không, song với vụ thử thứ tư và là vụ thử hạt nhân đánh dấu giai đoạn nâng cấp quan trọng về khả năng hạt nhân của nước này thì Triều Tiên chắc chắn sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt còn nặng nề hơn.
Trong cuộc họp khẩn diễn ra ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch ngày 6-1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã “lên án mạnh mẽ” vụ thử hạt nhân và coi đây là “mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cho rằng hành động của Triều Tiên gây bất ổn nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng ngay các hoạt động hạt nhân.
Đại sứ Uruguay tại Liên hợp quốc Elbio Rosselli, người đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng 1-2016, khẳng định cơ quan này sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc với việc thử nghiệm thiết bị hạt nhân. Ông Rosselli không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt mới, nhưng các quan chức ngoại giao xác nhận Liên hợp quốc sẽ bổ sung danh sách trừng phạt với các cá nhân, tổ chức liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.