- Khu vực nhân đạo ở Dải Gaza bị trúng 4 tên lửa, ít nhất 40 người thiệt mạng
- Hamas hé lộ áp dụng quy tắc mới đối với con tin Israel ở Gaza
- Sáu con tin ở Gaza bị sát hại ngay trước khi quân đội Israel đến giải cứu
Cô giáo Asma Mustafa với trẻ em ở trại tị nạn Nuseirat, Gaza |
Mỗi buổi tối, Asma Mustafa thường dành 2 tiếng bên những trẻ nhỏ ở trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza. Đây được coi là một trong số lớp học còn duy trì hoạt động ở dải đất bị bao vây này. Đôi khi các em được đưa bút và giấy để học toán và đọc viết cơ bản, nhưng hầu hết thời gian là cô trò kể chuyện, ca hát và chơi đùa. Mustafa, 38 tuổi, từng dạy tại một trường trung học dành cho nữ sinh ở thành phố Gaza trước khi chiến tranh nổ ra, còn ở trại Nuseirat cô đến làm từ tháng 11-2023. “Nhiều trẻ em hiện đang làm việc hoặc giúp gia đình tìm những thứ cơ bản như thức ăn vào ban ngày, vì thế tôi đến giúp các em vào các buổi tối”, giáo viên này cho biết.
Tuần trước, lẽ ra theo thường lệ năm học mới ở Palestine sẽ bắt đầu nhưng tại Gaza, 625.000 trẻ em trong độ tuổi đi học đang bước vào năm thứ hai không được đi học chỉ vì xung đột Israel-Hamas. Dự kiến, hơn 45.000 trẻ em 6 tuổi đã phải bắt đầu đi học trong năm nay. Trong khi đó, sau 11 tháng chiến sự, gần như toàn bộ dân số 2,3 triệu người của Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa và một số trường học trong dải đất này đã trở thành nơi trú ẩn. Theo các nhóm cứu trợ do các tổ chức UNICEF và Save the Children đứng đầu, khoảng 90% trong số 307 tòa nhà trường công lập của Gaza và tất cả 12 trường đại học đã bị hư hại hoặc phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel.
Theo Bộ Y tế tại vùng lãnh thổ do Hamas quản lý, 25.000 trẻ em Gaza trong độ tuổi đi học đã thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến tranh. Có vẻ như nhiều trẻ em đã phải đi làm, kiếm củi hoặc góp tay xây dựng nơi trú ẩn tạm thời hay bia mộ. Trẻ nhỏ hơn phải xếp hàng nhiều giờ tại các trạm phân phối nước và thực phẩm.
Yara al-Shawa, 22 tuổi, vào tháng 9 năm ngoái đã giành được học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ về luật nhân quyền tại Qatar, nhưng không thể rời khỏi dải Gaza vì lệnh phong tỏa của Israel. “Em trai tôi giờ đây phải gánh vác những trách nhiệm mà lẽ ra không đặt lên vai một đứa trẻ: thu thập đồ tiếp tế, lấy nước, chăm lo nhu cầu gia đình. Trường học giờ đây chỉ còn là ký ức xa vời đối với em. Em đã buộc phải trưởng thành quá nhanh trong hoàn cảnh này”, cô nói về em trai mình Ayman, 15 tuổi. “Chiến tranh đã đánh cắp tương lai của chúng tôi. Những điều từng chừng như là những giấc mơ có thể đạt được: Tôi trở thành luật sư, em trai tôi tốt nghiệp trung học - giờ đây chỉ còn là điều viển vông”.
“Giáo dục ở Gaza đã hoàn toàn dừng lại kể từ ngày 7-10 và tương lai vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi không biết sẽ bắt đầu từ đâu và khi nào bởi mọi thứ như lều trại, nơi trú ẩn, trường học, đường phố… vẫn là mục tiêu tấn công. Tình hình vẫn rất nguy hiểm”, cô Asma Mustafa nói.
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em càng nghỉ học nhiều thì càng khó theo kịp việc học và khả năng quay lại trường càng thấp. Sự phát triển về nhận thức, xã hội và cảm xúc của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng; trẻ em gái có nhiều khả năng kết hôn sớm còn trẻ em trai bị buộc phải đi làm hoặc tham gia quân đội. Điều an ủi là các sáng kiến quy mô nhỏ để giúp trẻ em tiếp tục học tập hiện diện trên khắp Gaza. Tháng trước, Cơ quan của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), đã triển khai chương trình “trở lại trường học” tại 45 điểm trú ẩn trên khắp dải Gaza, bao gồm các trò chơi, kịch, nghệ thuật, âm nhạc và hoạt động thể thao để cố gắng giảm thiểu tác động của chiến tranh đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Đối với Mustafa, một giáo viên ở Nuseirat, chương trình của UNRWA rất được hoan nghênh nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm: “Các tổ chức địa phương hoặc quốc tế chỉ có thể làm được một số việc nhất định bởi đôi khi 5 cuốn vở ở đây có giá 50 USD. Không có nơi nào an toàn, trường học và nơi trú ẩn đều bị nhắm tới. Những thách thức này không thể giải quyết được trừ khi chấm dứt chiến tranh”.
Hiện tại, các cuộc đàm phán do quốc tế làm trung gian vẫn thất bại, hai bên chưa đạt được lệnh ngừng bắn để giúp khôi phục lại trạng thái bình thường. Giống như rất nhiều người ở Gaza, cô giáo Mustafa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bám víu vào hy vọng rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và trẻ em ở Gaza sẽ có thể trở lại cuộc sống bình thường hơn. “Trẻ em ở Gaza là tương lai. Chúng cho tôi hy vọng, cho tôi sức mạnh để tiếp tục đứng vững và tiếp tục tiến về phía trước”, nữ giáo viên bày tỏ.