Trẻ bị bỏng - trách nhiệm của người lớn
(ANTĐ) - Thời gian gần đây, số trẻ em bị bỏng nhập viện gia tăng. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính là do sự bất cẩn của người lớn trong việc trông nom, chăm sóc trẻ trong sinh hoạt hàng ngày.
Những hậu quả đau lòng
Bệnh nhi Nguyễn Thị Thùy Chi (Thạch Thất - Hà Tây) mới 10 tháng tuổi đang điều trị tại Khoa Bỏng - Viện Bỏng quốc gia |
Trung bình mỗi ngày, Khoa Bỏng trẻ em - Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận 5-10 trẻ nhập viện, tính riêng trong tháng 7, có 50 trẻ nhập viện. Trẻ bị bỏng phần lớn dưới 3 tuổi, chiếm 80% tổng số trẻ em bị bỏng vào viện, trong đó từ 45-50% số ca bị bỏng sâu. Nguyên nhân chính là do người lớn sơ suất trong sinh hoạt hàng ngày để những tác nhân có thể gây bỏng cho trẻ: ổ cắm điện, phích nước sôi, canh nóng... trong tầm nghịch, tầm với của trẻ.
Tỷ lệ bỏng ở bé trai thường cao hơn nhiều so với bé gái, dao động từ 60-65%, còn ở bé gái là 30-35%. ở độ tuổi dưới 3, trẻ mới biết bò, biết đi nên đa phần khi bị bỏng đều bị nặng ở tầng sinh môn, sinh dục dễ nhiễm trùng khiến việc chăm sóc, điều trị cũng khó khăn và tốn kém hơn. Chỉ vì sự lơ là, thiếu chú ý của người lớn mà dẫn đến những hậu quả không đáng có.
Bệnh nhi Nguyễn Thị Thùy Chi (Thạch Thất - Hà Tây) mới 10 tháng tuổi hiện đang điều trị tại Khoa Bỏng - Viện Bỏng quốc gia. Ngồi bên cạnh con toàn thân quấn băng trắng chỉ còn sót lại đôi mắt, mẹ cháu kể lại trong nước mắt: “Ăn cơm trưa xong, tôi đi cắm ấm nước rồi bế con lên giường, không ngờ tôi ngủ quên, chỉ đến khi nghe tiếng khóc ré lên mới choàng tỉnh thì thấy cháu đã bị ấm nước sôi đổ hết vào người”.
Trưa 29-7-2007, khu vực Yên Ninh - Yên Bái náo loạn khi thấy lửa bốc lên ngùn ngụt từ nhà chị H. Phải mất gần 20 phút sau, đám cháy mới được dập tắt, nhưng khi mọi người vào được trong nhà thì đã không kịp. Hai cháu bé con chị H (cháu 5 tuổi và 2 tuổi) đã xám đen, nằm bất động trên nền nhà. Cháu trai lớn đã tử vong trên đường tới bệnh viện. Cháu trai thứ hai, N.H.T sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Yên Bái đã chuyển về Viện Bỏng quốc gia. Khi vào cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia, cháu T đã bị mất não, hôn mê sâu, mặt nề to, nhiều điểm xuất huyết dưới da, phải thở máy... Cháu T đã tử vong sau vài ngày. Được biết nguyên nhân do bố mẹ để hai cháu ở nhà, không biết nghịch lửa từ đâu đã làm cháy ra chăn đệm và lan sang các vật dụng khác.
Ngày 5-8, cũng tại Viện Bỏng quốc gia, cháu Thùy (Hà Tĩnh), mới 8 tháng tuổi đã tử vong vì bỏng quá nặng. Nguyên nhân do khi nấu canh xong, gia đình không để cẩn thận khiến cháu ngã vào. Bệnh án ghi rõ, cháu Thùy bị bỏng 35%, bỏng sâu 17%, chuyển lên viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn nặng.
Bài học nhắc nhở
Bên cạnh sự bất cẩn của người lớn cần phải kể đến một nguyên nhân nữa khiến số ca bỏng nặng tăng lên. Đó là kiến thức sơ cứu ban đầu về bỏng của người dân còn hạn chế. Theo TS Hồ Xuân Hương - Khoa Bỏng trẻ em, có đến 55% số ca bỏng không được sơ cứu đúng: Bôi nước mắm, kem đánh răng, rượu, cồn... và mọi cách xử lý không đúng đều làm cho vết bỏng nặng hơn, tỷ lệ phẫu thuật cao hơn.
Như trường hợp bệnh nhi Lương Anh Vũ (Hà Giang, 3 tuổi) bị ngã xuống hố vôi nhiệt độ 150 độ C. Cháu được người đi đường kéo lên nhưng lại không xử lý ngay, đi báo cho bố mẹ sau đó mới đưa đến trạm y tế. Tại trạm y tế xã cũng không biết cách sơ cứu ban đầu, chỉ khi lên đến huyện cháu Vũ mới được rửa vôi trên người, truyền dịch rồi đưa vào bệnh viện tỉnh. Sau đó, do cháu bị bỏng quá nặng (bỏng sâu 20%) bệnh viện tỉnh đã chuyển lên Viện Bỏng quốc gia. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ hoại tử, ghép da (15% phải ghép da lợn), và cắt bỏ các ngón số 2, 3, 4, 5 của bàn chân phải.
Bỏng là một tai nạn phải chăm sóc, điều trị rất tốn kém, di chứng để lại sau bỏng cũng hết sức nặng nề, và hậu quả cũng khó lường. TS Hồ Xuân Hương phân tích: “Với các cháu bỏng nhẹ, sau khi điều trị xong sẽ để lại sự hoảng sợ vì thần kinh của các cháu chưa phát triển nên dễ phản ứng mạnh với sự sợ hãi. Còn bị bỏng sâu sẽ để lại sẹo lồi, đặc biệt ở những vùng vận động: Chân, tay sự co kéo mạnh hơn, da không phát triển kịp với xương dẫn đến biến dạng sẽ làm các cháu bị mặc cảm, có cháu trong 2 năm liên tục phải đi làm phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình song cũng không thể trở lại như ban đầu”.
Không những vậy, da trẻ mỏng hơn da người lớn 2,5 lần, nên chỉ với nước ở 50-60 độ trong vòng hai phút đã có thể gây bỏng sâu cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ bị bỏng thường sốt cao (38- 40 độ) dẫn đến co giật toàn thân nếu không xử lý kịp thời dễ bị suy đa tạng và dẫn đến tử vong.
Như vậy có thể thấy, vấn đề bỏng ở trẻ em cần đáng lưu tâm hơn, từ ý thức cẩn thận của người lớn trong sinh hoạt, đến cách sơ cứu ban đầu đề phòng những hậu quả không đáng có. TS Hồ Xuân Hương khuyên: “Khi phát hiện trẻ bị bỏng, dù là bỏng nước sôi, hóa chất... ngay lập tức ngâm vết bỏng vào nước mát từ 18-25 độ trong vòng 30 phút, sau đó dùng băng băng vết thương lại rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế. Nên cho trẻ uống nhiều nước: Dung dịch oresol, sữa..., tuyệt đối không được đắp lá hay bôi kem đánh răng, nước mắm... lên vết bỏng”.
Ngân Tuyền