Trao quyền lợi cho doanh nghiệp tư nhân

ANTĐ - Được khẳng định là một động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được tham gia vào nhiều dự án đầu tư. 

Trao quyền lợi cho doanh nghiệp tư nhân ảnh 1Nếu được hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân sẽ bứt phá

Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hợp lực Thanh Hóa cho biết, lâu nay việc vay vốn ODA và các quỹ hỗ trợ chỉ dành cho các doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi thực tế, không ít doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước được sử dụng nguồn vốn ưu đãi nhưng lại làm ăn thua lỗ, thất thoát nhiều số tiền rất lớn. “Với cương vị là một doanh nhân tiêu biểu, tôi khẳng định, nếu đưa nguồn vốn này cho doanh nghiệp tư nhân, khối này sẽ rất phát triển và tỷ lệ thất thoát chắc chắn sẽ rất ít. Tôi cũng kiến nghị làm sao để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cả nước có thể tiếp cận được nguồn vốn này” - ông Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ  TP Hà Nội cũng kiến nghị, đối với các dự án lớn, các dự án ODA, nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia để lực lượng này có điều kiện bứt phá. Các doanh nghiệp này sẽ tạo thành chuỗi liên kết từ dưới, hỗ trợ cho các tập đoàn lớn. 

Từ năm 2011, Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và  Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn vay ODA và các khoản vay kém ưu đãi khác của các nhà tài trợ, nhằm thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên của Chính phủ trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro với Chính phủ trong việc sử dụng nguồn vốn. Thời điểm đó, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Phát (một công ty con của Tập đoàn Hòa Phát) đã vay được nguồn vốn ưu đãi ODA qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Hợp đồng cho vay nguồn vốn rẻ, có tổng trị giá 319 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 9,6%/năm và trong thời hạn 15 năm. Đến năm 2012, Việt Nam đã vay Ngân hàng Thế giới (WB) 200 triệu USD để cho khu vực tư nhân thực hiện dự án bệnh viện, trường học, môi trường. “Nhà nước đã có chính sách cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn ODA nhưng quy mô, mức độ và vị trí thực hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết. Về quỹ hỗ trợ đầu tư, hiện nay mới chỉ có một số tỉnh, thành phố lập được. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ có liên quan mở rộng hỗ trợ các địa phương để thời gian tới cả 63/63 tỉnh đều có quỹ này để nhiều doanh nghiệp tư nhân được vay vốn hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội lớn. Nếu như trước đây, những cơ hội này chỉ đến với doanh nghiệp lớn thì tới đây, những doanh nghiệp nhỏ, vừa, thậm chí là siêu nhỏ cũng có cơ hội. Trong đó, những doanh nghiệp quản trị tốt, điều hành bài bản, vốn ổn định, nhân sự trình độ cao, đầu tư cho KH-CN thì thành công sẽ đến nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các “đối thủ” từ khối ASEAN, TPP, hay EU… nếu có môi trường kinh doanh rộng mở, hành lang pháp lý thông thoáng.