Tranh chấp trên biển làm nóng G-7

ANTĐ -Biển Đông và Biển Hoa Đông đang làm nóng Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7), diễn ra tại thành phố Garmisch-Partenkirchen, cực Nam của nước Đức.
Tranh chấp trên biển làm nóng G-7 ảnh 1                      

Quang cảnh hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Garmisch - Partenkirchen

Dù chương trình nghị sự của Hội nghị kéo dài 2 ngày đã dày đặc các vấn đề đang được thế giới quan tâm như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, chống chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga… nhưng những hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước châu Á đã khiến G-7 lên tiếng.

 

Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản, tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh, các thành viên 

G-7 sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi duy trì trật tự quốc tế trên các vùng biển dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây không phải là lần đầu tiên G-7 bày tỏ thái độ với vấn đề này. Cũng vào dịp này năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo 

G-7 cũng đã ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng lo ngại. Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm đòi chủ quyền thông qua hành vi khiêu khích, đe dọa và dùng vũ lực”.

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và an ninh hàng hải luôn là mối quan tâm đặc biệt của G-7. Trước hết là bởi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, một thành viên của G-7, tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh thường xuyên điều tàu đến vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo kiểm soát, gây lo ngại về nguy cơ xung đột giữa hai bên.

Nhưng điều quan trọng hơn là nguy cơ xung đột làm gián đoạn một trong những tuyến thông thương hàng hải quan trọng nhất thế giới qua Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực này, sẽ tác động tiêu cực tới tất cả các nước G-7, buộc nhóm này phải tỏ rõ thái độ.

Phản ứng trước tuyên bố của bất cứ ai liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc luôn phản đối quốc tế hóa các cuộc tranh chấp, đồng thời đòi giải quyết thông qua cơ chế đàm phán song phương trực tiếp với từng nước. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải chịu sức ép không nhỏ trước việc các nước G-7 lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, bởi Trung Quốc có liên hệ kinh tế lớn với các nước trong nhóm.

Theo thống kê, chỉ riêng các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 70 tỷ USD vào Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang hưởng lợi từ thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Trong khi Trung Quốc mua lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 124 tỷ USD từ Mỹ, thì Mỹ nhập khẩu tới 466 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Với tiềm lực của mình, các nước G-7 còn có những hành động khác để khẳng định ảnh hưởng. Chẳng hạn mới đây, kênh truyền hình CNN của Mỹ đã công bố hình ảnh các hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc trước toàn thế giới.

Mỹ cũng nhiều lần khẳng định Trung Quốc đang là tác nhân gây trở ngại cho tự do hàng hải và thực thi luật pháp quốc tế ở Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông. Báo chí thế giới cũng dự đoán khả năng Washington sẽ điều máy bay vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để khẳng định việc Mỹ không thừa nhận chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố tại khu vực này. Chắc chắn những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ tiếp tục được G-7 đặc biệt quan tâm.