“Tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Chuyên gia Ksenia Kuzmina, Giám đốc chương trình châu Á – Thái Bình Dương của Hội đồng các vấn đề đối ngoại của Nga (RIAC), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982). Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường đối thoại và hợp tác, trao đổi thông tin để xây dựng và củng cố lòng tin giữa các bên.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép

Chuyên gia Ksenia Kuzmina cho rằng, việc thông qua bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý hoặc thỏa thuận về tránh va chạm trên biển với sự tham gia của nhiều bên là cần thiết, trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các nước phải đối mặt với nhiều thách thức chung trong đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức trên biển...

Chuyên gia Ksenia cho rằng, cần triển khai các cơ chế trao đổi thông tin đầy đủ và kịp thời, đồng thời cần xây dựng và củng cố lòng tin thông qua hoạt động trao đổi giữa giới quân sự, lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như giới chuyên gia trong lĩnh vực ngư nghiệp để các lực lượng này ứng xử một cách có trách nhiệm. Ngoài ra, tất cả các nước cần kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích làm phức tạp thêm tình hình, có thể dẫn đến xung đột hoặc những hậu quả không thể kiểm soát được.

Nói về vai trò của Nga, chuyên gia Ksenia cho rằng, Nga ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua các công cụ chính trị, pháp lý, ngoại giao, trên cơ sở các thỏa thuận quốc tế hiện có, trong đó có UNCLOS-1982. Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề tránh va chạm, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học, góp phần vào việc duy trì hoà bình, ổn định và an ninh trong khu vực.…

Giám đốc chương trình của RIAC đánh giá cao quy mô và ý nghĩa của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 do các đồng nghiệp Việt Nam vừa tổ chức, cho rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, hội thảo đã góp phần tạo ra nền tảng tích cực, hữu ích giúp thúc đẩy lòng tin giữa các nước trong khu vực.

Chuyên gia khẳng định, Hội thảo quốc tế về Biển Đông là một diễn đàn uy tín trên thế giới, một sự kiện quan trọng thu hút sự tham gia của không chỉ các đại diện đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và châu Á, mà còn có giới chuyên gia, học giả, chính khách đến từ khắp các châu lục khác như châu Đại dương, châu Mỹ, châu Âu, trong đó có các đại diện của Liên bang Nga…

Chương trình hội thảo mang tính tổng thể, đề cập không chỉ đến các vấn đề chiến lược hay các tranh chấp lãnh thổ cụ thể, mà còn thảo luận một loạt các chủ đề mang tính thực tiễn cao, trong đó có phiên “Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông” mà chuyên gia Ksenia Kuzmina đã tham gia.

Australia bày tỏ lập trường phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Văn phòng Tổng thống Philippines vừa ra thông cáo cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có cuộc điện đàm “cởi mở và hiệu quả” về nhiều vấn đề, trong đó có lĩnh vực an ninh hàng hải. Tổng thống Duterte bày tỏ “hoan nghênh sự quan tâm thúc đẩy hợp tác của Australia với ASEAN trên lĩnh vực an ninh biển, chống rác thải nhựa trên biển, chống chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng”.

Ông Duterte cũng cảm ơn chính phủ Australia đã chính thức bày tỏ lập trường trước khi Liên hợp quốc xác nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Philippines nhìn nhận, Australia là đối tác chặt chẽ trong việc củng cố luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật biển - UNCLOS 1982 và trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải.