Tranh chấp Nhật - Hàn nóng lên

ANTĐ - Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lại một phen nổi sóng khi liên tiếp có những động thái căng thẳng quanh hòn đảo tranh chấp mà hai nước cùng khẳng định chủ quyền của mình.

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo là một vấn đề lịch sử tồn tại hàng thế kỷ nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và thường xuyên xảy ra những cơn bộc phát căng thẳng nếu xuất hiện bất kỳ động thái nào nhằm khẳng định chủ quyền. Căng thẳng mới đây nhất là việc Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc (Korean Air) thí điểm bay qua không phận quần đảo này đối với các chuyến bay từ Hàn Quốc tới Nhật Bản bằng máy bay Airbus A380 lớn nhất thế giới hiện nay.

Đáp lại, Chính phủ Nhật Bản ban hành lệnh cấm các quan chức nước này sử dụng các máy bay của Korean Air để đi lại trên khắp thế giới. Tokyo tuyên bố lệnh cấm này nhằm trả đũa việc máy bay của Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc bay qua không phận quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Đây cũng được xem là phản ứng mạnh mẽ hiếm thấy của Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Hàn Quốc.

Quần đảo tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản 

Quần đảo Takeshima/Dokdo, có hơn 30 hòn đảo với tổng diện tích khoảng 0,19 km2, nằm trên vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là cội nguồn tranh chấp từ lâu giữa hai nước. Sau cuộc chiến tranh với Nga đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã kiểm soát quần đảo này cho tới kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, Seoul lại khẳng định các hòn đảo đá hình thành núi lửa phun trào này thuộc chủ quyền của Hàn Quốc từ thế kỷ thứ 6.

Giành lại quyền quản lý hành chính quần đảo tranh chấp từ năm 1950, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều việc làm nhằm khẳng định chủ quyền. Bên cạnh việc nâng cấp sân bay trực thăng, Hàn Quốc đang có kế hoạch xây dựng “Trung tâm nghiên cứu khoa học tổng hợp Dokdo” nhằm quan trắc và khảo sát địa chất đáy biển và dòng hải lưu.

Dù chỉ là những đảo đá nhưng quần đảo Takeshima/Dokdo có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, án ngữ tuyến hàng hải và hàng không trọng yếu, đồng thời lại giàu tiềm năng khoáng sản và khí đốt. Vì thế, tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ thường xuyên bùng phát mà còn cản trở khá nhiều tới quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong khi dư luận đang lo ngại việc cả Tokyo và Seoul có thể cử tàu chiến tới gần quần đảo tranh chấp thì cuộc gặp ngày 23-7 giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Matsumoto Takeaki và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Sung Hwan bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18 tại Bali (Indonessia) lại diễn ra trong bất đồng sâu sắc về quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, hy vọng giảm căng thẳng đã le lói xuất hiện khi hai bên nhất trí sớm nối lại các cuộc đàm phán về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương cũng như tiếp tục các công tác chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tới Nhật Bản trong thời gian tới.