Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm 56% trong 11 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 11 tháng năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 4 đợt phát hành đến từ Ngân hàng TMCP BIDV, Công ty CP Đầu t Đức Trung và Công ty CP City Auto.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty CP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm mạnh trong năm 2022

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm mạnh trong năm 2022

Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Tiếp theo là nhóm bất động sản với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng trái phiếu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. VBMA cho biết, trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Các khó khăn này biểu hiện qua việc khối lượng phát hành trái phiếu thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi hiện tượng mua lại trái phiếu trước hạn cũng có xu hướng gia tăng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng thừa nhận rằng niềm tin của thị trường giảm sút bởi một số vụ việc vi phạm từ doanh nghiệp phát hành và các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.

Để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu một số giải pháp mà Bộ Tài chính đang đề xuất.

Thứ nhất, Bộ đang khẩn trương để trình Chính phủ xem xét giải quyết các vướng mắc pháp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng ngay trong tháng 12 (trong đó có thể sửa đổi, bổ sung ngay cả Nghị định 165 vừa ban hành).

Thứ hai, về phía các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì cần có phương án thỏa thuận với các nhà đầu tư, trách nhiệm phải thực hiện bằng mọi cách, bằng mọi giá, hết khả năng của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo quy định, chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thứ ba, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp khác, phối hợp với các cơ quan có liên quan của Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Mới đây, Chính phủ cũng đã thành lập 3 tổ công tác, gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình đang ổn định trở lại, tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.