Trắc nghiệm vân tay xác định tư chất bẩm sinh ở trẻ

(ANTĐ) - Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh đã tìm đến Văn phòng tham vấn gia đình và trẻ em Vala (thuộc Hội Tâm lý giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) để trắc nghiệm dấu vân tay cho con với mong muốn biết được tư chất bẩm sinh của con mình một cách nhanh nhất.

Nghe người quen giới thiệu về chương trình trắc nghiệm này, anh Hồ Xuân Bắc (tổ 21, cụm 3, phường Phú Thượng, Tây Hồ) đã đưa con trai 4 tuổi tới để làm trắc nghiệm. Sau khi nhận kết quả, anh Bắc không khỏi ngạc nhiên: “Tôi thật sự bất ngờ vì kết quả phản ánh khá chính xác khả năng nổi trội về toán học của cháu. Từ khi biết nói cháu đã có thể đếm đên 1.000”.

 

Chị Vũ Thị Hà (Tập thể Thành Công - Đống Đa) cho con 2 tuổi làm trắc nghiệm  cũng cho biết: Việc trắc nghiệm đã cho tôi những định hướng rất tốt trong nuôi dạy con cái. Cháu rất nhút nhát, và kết quả trắc nghiệm cũng cho thấy cháu có chỉ số EQ thấp hơn người bình thường, bù lại thì cháu có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Nhờ đó, tôi có có phương pháp nuôi dạy cháu phù hợp hơn như tăng cường cho cháu giao lưu bạn bè, nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc cho cháu. Hay trước kia tôi thường rất nghĩ ngợi về việc chồng vô tâm, nhưng khi test thì tôi hiểu được bản chất anh ấy như vậy, rất khó thay đổi. Cụ thể là phần hướng nội của anh ấy rất thấp, trong khi khả năng lãnh đạo thì cao.

Vài năm trở lại đây, tuy mới ở bước thử nghiệm nhưng trắc nghiệm vân tay đã được nhiều phụ huynh biết đến. Mỗi tháng Trung tâm Vala nhận được khoảng vài chục khách hàng và là địa chỉ duy nhất tại Việt Nam thực hiện dịch vụ này. Sau khi chụp dấu vân tay, vân chân bằng máy quang học, các dữ liệu sẽ được chuyển sang Đài Loan, nơi giữ bản quyền phần mềm V.Genius.4.0 để phân tích trung tâm điểm và tam giác điểm của vân 10 đầu ngón tay. Những thông số đó được máy tính toán và cho ra kết quả định danh, định tính, định lượng cùng các kiến nghị nâng cao khả năng học tập, hoàn thiện tính cách, hướng học, hướng nghiệp...

Theo TS Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục) thì mục đích quan trọng nhất của trắc nghiệm vân tay là giúp bố mẹ biết được đặc trưng tính cách, khả năng nổi trội của con cái để lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp.

Cũng theo TS Nguyễn Kim Quý, nhiều người nghĩ đây là một hình thức bói toán nhưng thực tế các nhà khoa học đã chỉ ra những căn cứ khoa học. Người ta đã biết rằng dấu vân tay của mỗi cá nhân là độc nhất. Xác suất hai cá nhân - thậm chí ngay cả anh chị em sinh đôi cùng trứng - có cùng một bộ dấu vân tay là 1/64 tỉ. Dấu vân tay của mỗi người là không đổi trong suốt cuộc đời, ngay cả khi làm phẫu thuật thay da ngón tay, nhưng chỉ sau một thời gian dấu vân tay lại được hồi phục như ban đầu.

Các nhà khoa học đã chứng minh dấu vân tay được hình thành dưới tác động của hai yếu tố: hệ thống gen và môi trường. Hiện nay, dấu vân tay được sử dụng rộng rãi để nhận dạng cá nhân, để hội chẩn những chứng bệnh do di truyền.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng có sự liên hệ mật thiết giữa số lượng vân tay và năng lực tư duy. Cụ thể là ở động vật cấp thấp thì số lượng vân da ngón tay rất ít, trong khi động vật cấp cao và con người có số lượng vân tay cao hơn hẳn. Vì vậy, những năm gần đây, vân tay đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu trong việc phát hiện tiềm năng con người. Tuy vậy, dấu vân tay chỉ có tính phụ trợ trong việc nhận biết những nét tính cách được kế thừa bằng con đường di truyền và chỉ phản ánh gần đúng tiềm năng của cá nhân.

Trong quá trình thử nghiệm, Trung tâm Vala đã tiến hành trắc nghiệm với nhiều cá nhân thuộc các ngành nghề và tầng lớp khác nhau, trong đó có nhiều người nổi tiếng như PGS.TS Lê Đức Phúc; NGƯT Nguyễn Phú Cường; GS, họa sĩ Phạm Công Thành; GS.TS Văn Như Cương... và đều nhận được những nhận xét tích cực. Ở bước đầu “thương mại hóa”, hình thức trắc nghiệm này cũng được nhiều phụ huynh đánh giá tốt. Tuy nhiên, hiện nay chương trình vẫn chưa được một cơ quan Nhà nước nào thẩm định trên cơ sở khoa học, vì vậy những người tâm huyết với chương trình vẫn đang ở bước thử nghiệm và “làm mà chưa có lãi”.