Tổng thống Trump thể hiện chính sách quân sự "diều hâu"

ANTD.VN - Hai quyết định liên tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump rót 59 tên lửa hành trình vào Syria và đưa tàu sân bay nguyên tử áp sát CHDCND Triều Tiên cho thấy, chính sách quân sự của Mỹ ngày càng hiện rõ hơn tính chất “diều hâu” và cứng rắn.

Tổng thống Trump thể hiện chính sách quân sự "diều hâu" ảnh 1Sân bay Shayrat của Syria sau khi bị tên lửa của Mỹ tấn công

Nhớ lại thời còn đang tiến hành tranh cử Tổng thống Mỹ, ông D. Trump liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định nếu thắng cử, ông sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội dù điều này có thể làm giảm vai trò “cảnh sát toàn cầu” của Mỹ. Người ta cũng dự đoán rằng Tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ cố gắng đạt được một số thỏa hiệp với các nước lớn như Nga, Trung Quốc...

Thế nhưng ngay từ lúc đó, viễn cảnh về một đội quân hùng mạnh của nước Mỹ với sức mạnh quân sự vượt trội luôn là điều mà ông D. Trump ấp ủ. Theo ông D. Trump, quân đội nước này cần phải được tăng cường hơn nữa cả khả năng phòng vệ lẫn khả năng tấn công, để nó mạnh đến mức “không ai có thể gây rối nước Mỹ” và “không ai còn dám nghi ngờ sức mạnh quân sự của Mỹ”.

Xét về tiềm lực, đội quân mà ông D. Trump cáo buộc người tiền nhiệm B. Obama đã để rơi vào tình trạng “yếu kém” hiện vẫn có quy mô khủng khiếp. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), quân đội Mỹ trong hàng thập kỷ qua là lực lượng quân sự mạnh mẽ với ngân sách lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 598 tỷ USD trong năm 2016, bằng ngân sách của 14 nước kế tiếp trong danh sách cộng lại. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất duy trì gần 1.000 căn cứ quân sự ở ít nhất 135 quốc gia trên toàn thế giới.

Nhưng theo dự tính của ông D. Trump, một cuộc tăng cường sức mạnh quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ diễn ra dưới thời cầm quyền của ông. 

Theo kế hoạch của ông D. Trump, chi tiêu quốc phòng của Lầu Năm góc sẽ tăng từ 597 tỷ USD năm 2016 lên đến 1.000 tỷ USD trong những năm tiếp theo, hạm đội tàu chiến từ 308 tàu sẽ tăng lên 350 tàu, mua sắm thêm 100 máy bay chiến đấu mới và tăng cường phòng thủ tên lửa…

Vấn đề còn lại là liệu đội quân với sức mạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ và thế giới sẽ “không phải sử dụng” bởi không ai có thể đối đầu được, như lời của ông D. Trump hồi tranh cử? Tuy nhiên, quyết định khai hỏa 59 quả tên lửa hành trình vào Syria và đưa tàu sân bay nguyên tử áp sát Triều Tiên cho thấy chưa cần ai tuyên bố công khai đối đầu với Mỹ thì đội quân đó đã bắt đầu giương “móng vuốt diều hâu”. 

Không những thế, với Syria, chính quyền của ông D. Trump đã quay trở lại quan điểm cũ của người tiền nhiệm B. Obama: lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad là ưu tiên của Washington. Trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 8-4, Đại sứ Mỹ tại LHQ N. Haley tuyên bố: “Chúng tôi không thấy một Syria hòa bình với Assad ở đó”. Đại diện ngoại giao của Mỹ tại LHQ khẳng định, Washington có 3 ưu tiên hàng đầu ở Syria vào lúc này. Đó là đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đẩy ảnh hưởng của Iran ra khỏi Syria và lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo nguồn tin của báo chí Mỹ, hiện ông D. Trump đang cân nhắc các phương án quân sự tại Syria được Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis đưa ra. Danh sách các phương án được trình lên ông Trump bao hàm nhiều quy mô, mức độ và độ rủi ro khác nhau, song đều chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu của Nhà Trắng. Rất có thể Syria sẽ là nơi thử nghiệm những quan điểm mới của ông D. Trump trên thực tế.