Tổng thống Trump thay Ngoại trưởng, ngoại giao Mỹ sẽ cứng rắn hơn?

ANTD.VN - Việc đột ngột tuyên bố cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson và vài giờ sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein không khiến thế giới quá bất ngờ với phong cách cầm quyền của ông chủ Nhà Trắng.  

Ngoại trưởng Mỹ vừa bị bãi nhiệm Rex Tillerson (trái) và Giám đốc CIA Mike Pompeo

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và Ngoại trưởng Rex Tillerson tồn tại bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là khác biệt đối với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) được các cường quốc ký kết với Iran và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông muốn rút khỏi thỏa thuận được xem là “tồi tệ” này song Ngoại trưởng Tillerson “có ý kiến khác”. Một quan chức Nhà Trắng cũng cho biết quyết định thay đổi nhân sự ngành ngoại giao của Tổng thống là nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ với Triều Tiên cũng như các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác.

Thông tin đồn đoán việc cách chức ông Tillerson từng rộ lên từ cuối năm ngoái khi Ngoại trưởng được cho là đã có lời nói chỉ trích Tổng thống Trump. Thực sự, giữa họ còn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng hơn về hầu hết các vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ - từ vấn đề Triều Tiên và thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và cuộc khủng hoảng Qatar. Dù phát ngôn viên Nhà Trắng từng hơn một lần bác bỏ khả năng thay thế người đứng đầu ngành ngoại giao thì trong bối cảnh như vậy, việc thay thế Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã được chuẩn bị từ rất lâu, vấn đề chỉ là thời gian. 

Những người thân cận với ông Trump cho rằng việc ông sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm 13-3 là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thiếu kiên nhẫn ngày một gia tăng của vị Tổng thống đảng Cộng hòa với một loạt cố vấn do ông tự lựa chọn, những người bị ông cho là cản trở các chính sách ưa thích của ông. Mặc dù luôn khuyến khích những ý kiến bất đồng trong các cuộc họp nội các (Tổng thống Trump từng nói “Tôi thích sự mâu thuẫn”), nhưng một khi đã đưa ra quyết định, Tổng thống muốn mọi người chấp hành và thực hiện một cách nhanh chóng theo ý mình.

Trong cuộc họp với cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc mới đây, ông đã đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bất luận nhiều tháng trước đó đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên nếu cần thiết. Thay đổi này, cùng những bình luận của ông Trump về việc cải tổ nội các, cũng làm dấy lên khả năng sẽ có thêm nhiều nhân vật cấp cao phải ra đi như Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly hay cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, hai người đều có bất đồng với ông Trump.

Các đồng sự lâu năm của ông Trump cho biết những quyết định của Tổng thống tương tự những gì ông từng làm khi là doanh nhân và một thông điệp rõ ràng được nhấn mạnh là “Nếu bạn nghĩ sứ mệnh của bạn là thuyết phục Tổng thống thay đổi thì đó là sứ mệnh bất khả thi”. 

Người thay thế ông Tillerson được lựa chọn là Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, một người được cho là tuyệt đối trung thành với Tổng thống. “Với ông Mike, chúng tôi có sự thấu hiểu tốt ngay từ đầu”, đó là nhận định của ông Trump.  Người đứng đầu CIA là quan chức cấp cao duy nhất trong Nhà Trắng khuyến khích ông Trump không chứng thực thỏa thuận hạt nhân Iran, cho dù các đồng nghiệp của ông trong các cơ quan tình báo khẳng định rằng Tehran tuân thủ thỏa thuận này. 

Nhiều nhà ngoại giao thế giới cũng cho rằng nhân vật có quan điểm cứng rắn như ông Pompeo có thể khiến chính sách đối ngoại của Tổng thống khắt khe hơn nữa, do đó, những quan điểm ôn hòa hơn càng khó được tiếp nhận tại phòng Bầu dục và làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao vốn đầy nhạy cảm. Thứ trưởng Ngoại giao Đức Michael Roth nhấn mạnh, quyết định cách chức Ngoại trưởng Tillerson và bổ nhiệm ông Pompeo vào lúc này là không khôn ngoan và sẽ “không làm mọi thứ tốt đẹp hơn”.