Tổng thống Putin "né" vấn đề giúp đỡ tài chính Hy Lạp

ANTĐ - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Francois Hollande, nội dung chính là thảo luận về kết quả trưng cầu dân ý ở Hy Lạp.

Theo tin đưa của RIA Novosti, nội dung cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp có nhắc đến tình hình các nước trong khu vực đồng euro nói chung, nhưng trọng tâm xuyên suốt vẫn là những vấn đề đằng sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp.

RIA Novosti dẫn thông cáo của cơ quan báo chí thuộc điện Kremlin cho biết, các tổng thống đã thảo luận hậu quả đằng sau cuộc trưng cầu dân ý vừa tổ chức tại Hy Lạp, bao gồm cả sự phát triển tiếp theo của tình hình trong khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone và những biện pháp cần thiết.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đã thảo luận với người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Lagarde về tình hình hiện nay ở Hy Lạp. Theo kết quả cuộc hội đàm, ông Putin và bà Lagarde đã thỏa thuận sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp tối ưu cho vấn đề nợ công của Hy Lạp, xử lý hài hòa lợi ích của tất cả các bên.

Trả lời câu hỏi đang gây sự chú ý rất lớn đối với cộng đồng quốc tế là trong các cuộc điệm đàm này, ông Putin có bày tỏ ý định “dang tay” cứu Hy Lạp hay không, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin là ông Dmitry Peskov đã tuyên bố rằng, Tổng thống Nga không hề đề cập đến chuyện này.

Liệu Nga có dang tay cứu giúp Hy Lạp trước sự “o ép” của châu Âu?

Trong cuộc nói chuyện với nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông chủ Điện Kremlin đã không bàn về sự giúp đỡ tài chính của Moscow dành cho Athens, trong bối cảnh có nhiều lời đồn đoán là Nga và BRICS sẽ “cứu” Hy Lạp, sau khi IMF từ chối không cấp khoản vay mới cho Athens.

Vào ngày 5 tháng 7 vừa qua, tại  Hy Lạp đã tổ chức trưng cầu dân ý, kết quả là chỉ có 38% người dân nước này nói “có”, còn hơn 61% công dân bỏ phiếu nói “không”, chống lại yêu cầu của các chủ nợ châu Âu, thường được họ gọi là “Bộ 3 cá mập”.

Chính phủ Hy Lạp công bố rằng trưng cầu dân ý đã là một chiến thắng của nền dân chủ nươc này, phản bác những điều kiện “vô lý và kìm hãm” kinh tế Hy Lạp của Ủy ban châu Âu (EC), ngân hàng châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về hỗ trợ tài chính cho Athens.

Vừa qua, Trợ lý của nguyên thủ quốc gia Nga - ông Yuri Ushakov cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sau cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ với nhân dân nước này trong cuộc đấu tranh chống khủng hoảng kinh tế.

Những người thuộc phe nói “không” ở Hy Lạp ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý

Ngày 2-7, tờ báo Canada Research Global cho rằng, sau cuộc trưng cầu dân ý này, nếu Hy Lạp vẫn không thể đạt được thỏa thuận với “bộ 3 cá mập”, nước này cũng không hẳn đã tuyệt vọng, bởi nếu cần sẽ có một “thế lực lớn” giang tay cứu giúp họ. Đó là Nga và BRICS!

Tờ tạp chí của Canada đưa tin, hồi tháng 5 năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Storchak đã đề xuất với Thủ tướng Hy Lạp xem xét khả năng nước này làm thành viên thứ 6 của BRICS. Ông Alexis Tsipras đã rất hứng thú, vì đây là một giải pháp cho phép Hy Lạp tiếp cận Ngân hàng Phát triển của khối này.

Research Global cho rằng, ngân hàng Phát triển BRICS ra đời với mục đích chấm dứt sự thống trị của phương Tây trong các thị trường tài chính và trở thành một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới. Bởi vậy, liên minh 5 nước phát triển là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi “có thể là một lựa chọn tốt đối với Hy Lạp”.

Tờ báo trên còn tiết lộ, ngay cả trong quá trình đàm phán với các chủ nợ châu Âu, Athens vẫn đang tiến hành đàm phán với các thành viên khác của BRICS về triển vọng tham gia tổ chức. Hoạt động này sẽ được tiếp tục ở cấp nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức tại Ufa từ ngày 9-10 tháng 7.

Quan điểm này được sự chia sẻ của tỷ phú và ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông này cho rằng, nếu Hy Lạp và các chủ nợ không tìm được tiếng nói chung, "rất có thể Vladimir Putin sẽ ra tay cứu vãn tình thế” và Nga cùng với BRICS sẽ thò tay vào châu Âu.