Tổng thống Putin: Mỹ muốn vô hiệu hoá sức mạnh hạt nhân của Nga

ANTĐ - Trong một cuộc họp với các lãnh đạo an ninh ở Sochi vào ngày 10-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng, Mỹ đang muốn vô hiệu hoá khả năng hạt nhân của Nga bằng việc triển khai một lá chắn tên lửa đến châu Âu.

“Việc gọi Iran và Triều Tiên là mối đe doạ chỉ là vỏ bọc cho mục đích chính của hệ thống tên lửa đánh chặn tại châu Âu. Nó nhằm để vô hiệu hoá tiềm năng hạt nhân của các nước không phải đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Nga. Mỹ muốn có được sự vượt trội về sức mạnh quân sự bất chấp mọi hậu quả nó có thể kéo theo”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin Sau khi chỉ trích Mỹ, Tổng thống Nga cảnh báo rằng, việc làm của Washington sẽ khiến Moscow phải có các biện pháp đáp trả thích đáng mà điển hình là việc, quân đội Nga đang phát triển một vũ khí tấn công có thể vượt qua được mọi hệ thống  tên lửa phòng không.
“Trong hơn 3 năm qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chế tạo và thử nghiệm thành công rất nhiều loại vũ khí hứa hẹn sẽ loại bỏ được hệ thống tên lửa phòng không đa lớp của Mỹ”, ông Putin quả quyết.
Vào tháng 10, 9 nước NATO đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ Aegis trong một bài diễn tập quân sự ngoài khơi Scotland. Vài ngày sau đó, Mỹ tiếp tục thực hiện riêng một cuộc thử nghiệm khác có chi phí lên tới 230 triệu USD cũng ở châu Âu.

Được bắt đầu phát triển từ thời Tổng thống Ronald Reagan, nhưng kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa chỉ được đẩy mạnh khi Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền vào năm 2002. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối nặng nề từ Moscow sau khi Washington đề nghị xây các căn cứ tên lửa ở Cộng hoà Séc và Ba Lan, vốn rất gần Nga. Trong khi Cộng hoà Séc từ chối tham gia kế hoạch này thì Ba Lan lại rất hào hứng.
Đến năm 2008, Tổng thống Obama đã tuyên bố hệ thống đánh chặn tên lửa ở châu Âu sẽ được đưa vào hoạt động 100% trong thập kỉ tới. Mạng lưới này bao gồm các hệ thống Aegis của những tàu chiến tuần tra ở Tây Ban Nha, các hệ thống phóng tên lửa cố định ở Romania, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kì, Đức và nhiều nước NATO khác sẽ là địa điểm xây dựng các trạm radar.