- Tổng thống Philippines Duterte: Có thể dùng đại bác và bom để diệt khủng bố!
- Philippines huy động quân đội đảm trách "chống ma túy"
- Tổng thống Philippines không thích bổ nhiệm đại sứ ở Mỹ
Đến nay, cuộc chiến này ước tính đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, ngày 30-1 vừa qua, cuộc chiến chống ma túy đã bị tạm dừng vô thời hạn để tập trung vào cuộc chiến chống nhóm phiến quân có tên gọi Quân đội Nhân dân mới (NPA). Theo giới phân tích, dường như cuộc chiến chống ma túy đã trở thành một thất bại lớn của Tổng thống Duterte.
Từ tháng 10 năm ngoái, cuộc chiến chống ma túy đã có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chiến lược, theo đó, cảnh sát nước này bắt đầu hạn chế việc giết các nghi phạm và tập trung nguồn lực vào việc bắt giữ những đối tượng có mối liên hệ chặt chẽ với các đường dây buôn bán ma túy. Chiến dịch có tên “Double Barrel Alpha” tập trung vào việc bắt giữ các chính trị gia, quân nhân, cảnh sát, quan chức Chính phủ và những người nổi tiếng bị cáo buộc có liên quan đến ma túy.
Diễn biến trên diễn ra sau khi đã có những cuộc thảo luận “căng thẳng” giữa giới hành pháp Philippines về số người thiệt mạng trong chiến dịch truy quét tội phạm hiện nay. Cuộc chiến chống ma túy tại Philippines bị chỉ trích là quá tập trung vào các đối tượng là người nghèo sử dụng ma túy và người bán ma túy quy mô nhỏ.
Trong những năm gần đây, các quan chức Chính phủ bị bắt giam do có liên quan đến hoạt động buôn bán hoặc sử dụng ma túy thường nhanh chóng được trả tự do. Số liệu từ Bộ Tư pháp Philippines cho thấy có 715 quan chức đã bị bắt giữ trong giai đoạn 2011-2016 do liên quan đến ma túy, trong đó có nhiều quan chức làm việc trong ngành hành pháp, các quan chức được dân bầu và cả các nhân viên Chính phủ. Tuy nhiên, 74% trường hợp đã được tha bổng hoặc không bị truy tố.
Mặc dù Lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) vốn nổi tiếng với tệ tham nhũng, lạm quyền và vi phạm pháp luật nhưng trách nhiệm trong cuộc chiến chống ma túy được Tổng thống Duterte đặt lên vai lực lượng gồm 170.000 thành viên này mà không phải là Cơ quan chống ma túy trực thuộc Văn phòng Tổng thống, một cơ quan được đánh giá là có năng lực nhất trong các cơ quan chính quyền.
Việc công khai thông tin vụ sát hại doanh nhân Hàn Quốc cùng với sự đeo bám của Chính phủ cũng như truyền thông Hàn Quốc trong tháng 1-2017 đã dẫn tới việc Tổng thống Duterte phải tuyên bố tạm dừng vô thời hạn cuộc chiến chống ma túy để làm trong sạch hàng ngũ PNP, thanh lọc nhóm PNP biến chất và chuyển giao trách nhiệm cuộc chiến chống ma túy cho Cơ quan chống ma túy quốc gia. Điều này cũng tác động đáng kể tới uy tín của ông trên chính trường Philippines.
Theo Tiến sĩ Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, thất bại này đặt ra 2 vấn đề lớn đối với Tổng thống Duterte, người đã đặt cược nhiều vốn chính trị của mình vào cuộc chiến chống ma túy:
Thứ nhất, đó là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi và quan tâm của truyền thông vào số lượng lớn nạn nhân bị thiệt mạng của cuộc chiến chống ma túy dẫn tới những tiếng nói đối lập trong chính quyền Philippines.
Ngày 5-2, một bức thư coi cuộc chiến chống ma túy như “chế độ khủng bố” đối với dân nghèo Philippines đã được đọc bên ngoài các nhà thờ Công giáo. Phó Tổng thống Philippines, bà Leni Robredo, người đã rời bỏ vị trí trong Nội các hồi tháng 12-2016 nhằm phản đối một vài chính sách của Tổng thống Duterte và thành lập Văn phòng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các nạn nhân của cuộc chiến đã tuyên bố ủng hộ lá thư trên và gọi đó là “điểm bùng phát tiềm năng”.
Thứ hai, rõ ràng PNP không phải là một tổ chức phù hợp để dẫn đầu cuộc chiến chống ma túy dù những phần tử biến chất của tổ chức này bị trục xuất đến Midanao, quê hương của ông Duterte. Tuy nhiên, Cơ quan chống ma túy quốc gia cũng quá nhỏ để tham gia cuộc chiến. Tới cuối năm 2015, cơ quan này mới có chưa đến 1.700 nhân viên và khoảng 800 sỹ quan thực thi pháp luật.
Ông Duterte đã kêu gọi quân đội đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống ma túy và bắt giam các quan chức cảnh sát tham nhũng như là một phần của việc làm trong sạch hàng ngũ PNP. Tuy nhiên, quân đội không được huấn luyện để đi đầu trong cuộc chiến này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu Tổng thống Duterte ra lệnh bằng văn bản để làm cơ sở pháp lý cho hành động sử dụng quân đội. Tuy nhiên, không có một văn bản nào như vậy được ban hành.
Tổng thống Duterte đã gia hạn cho cuộc chiến chống ma túy từ cuối năm 2016 tới khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào giữa năm 2022 và tiếp tục khiển trách những ai chỉ trích chính sách này của ông. Tuy nhiên, với việc không có một cơ quan lãnh đạo phù hợp trong cuộc chiến và sự chống đối đang ngày càng gia tăng thì rõ ràng không biết khi nào và bằng cách nào ông Duterte mới có thể giành nổi chiến thắng trong cuộc chiến chống ma túy.