Tổng thống Nga Putin cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang mới ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 16 hôm 27-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng việc chấm dứt Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung có nghĩa là khu vực hiện đang đối mặt với khả năng những vũ khí tấn công này xuất hiện trên diện rộng. Và kết quả là, một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ xảy ra”.
Nhiều loại tên lửa tấn công hiện đại sẽ ngày càng phổ biến nếu không có hiệp định quốc tế nào ràng buộc

Nhiều loại tên lửa tấn công hiện đại sẽ ngày càng phổ biến nếu không có hiệp định quốc tế nào ràng buộc

Tổng thống Putin cho hay, bất chấp việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 8-2019, Matxcơva đã “tuyên bố đơn phương ngừng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác của thế giới, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại nghiêm túc về vấn đề này với các quốc gia mà nó ảnh hưởng”. Theo ông Putin, đề xuất của Nga vẫn để ngỏ.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga, hợp tác với các quốc gia khác là cách duy nhất để ngăn chặn các mối đe dọa đang tồn tại và mới nổi, đồng thời giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực. Ông cho rằng, đối thoại cần tập trung vào “phát triển bền vững và cải thiện hạnh phúc của người dân”.

Washington đổ lỗi cho việc rút khỏi INF là do Nga có chủ đích vi phạm hiệp ước hạt nhân, nhưng Nga đã bác bỏ điều này và phản bác lại rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Trung Âu đã vi phạm các điều khoản hiệp ước.

Đầu tháng 10 này, Thư ký báo chí của ông Putin Dmitry Peskov cho hay, Nga không quan tâm đến tin đồn rằng Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công mục tiêu nhanh hơn tốc độ âm thanh.

Tờ Thời báo Tài chính của Anh đưa tin rằng, việc Trung Quốc được cho là thử tên lửa siêu thanh đã “khiến tình báo Mỹ bất ngờ”. Ông Robert Wood, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, đã cảnh báo rằng “công nghệ siêu thanh là điều mà chúng tôi lo ngại về những ứng dụng quân sự tiềm năng của nó và Mỹ đã không theo đuổi”.

Theo ông Peskov, công nghệ tên lửa mà Bắc Kinh từ chối xác nhận không gây ra mối đe dọa cho Matxcơva vì Nga có quan hệ đồng minh với Trung Quốc, quốc gia "đang phát triển lực lượng vũ trang và hệ thống vũ khí của họ nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ của bất kỳ hiệp định quốc tế nào".

Vào đầu tháng 10-2021, Nga thông báo đã bắn thành công tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon từ tàu ngầm hạt nhân lần đầu tiên trong lịch sử, có khả năng bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Các tư lệnh quân đội Mỹ trước đó đã cảnh báo rằng Zircon đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường trong việc phát hiện và đánh chặn nó.