Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt cược vào chiến lược kinh tế “Bidenomics”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không lâu sau khi chính thức công bố tái tranh cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sớm khởi động cuộc đua khi tung ra chiến lược kinh tế “Bidenomics” được xem là con “át chủ bài” của đương kim chủ nhân Nhà Trắng trong nỗ lực trụ lại đây thêm một nhiệm kỳ 4 năm.

Những thách thức tái tranh cử

Tuyên bố ngày 27-6 trong một sự kiện vận động quyên góp tranh cử một ngày trước khi có chính thức có bài phát biểu về chính sách kinh tế diễn ra tại thành phố công nghiệp Chicago, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược kinh tế được gọi là “Bidenomics”. Giới quan sát nhận định rằng, với chiến lược kinh tế này, ông chủ Nhà Trắng Joe Biden rõ ràng muốn “đặt cược lớn” vào nền kinh tế Mỹ để tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm tới.

Tổng thống Joe Biden đặt cược vào chiến lược Bidenomics trong chiến dịch tái tranh cử

Tổng thống Joe Biden đặt cược vào chiến lược Bidenomics trong chiến dịch tái tranh cử

Khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố tái tranh cử, ông phải đối mặt với một hiện thực là cuộc đua trong năm 2024 rất khác so với năm 2020, thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nước Mỹ. Đây là một trong những nhân tố giúp ông Joe Biden khi đó là ứng viên đối lập giành lợi thế trước đương kim Tổng thống lúc ấy là ông Donald Trump.

Sau hơn 2 năm vào Nhà trắng, ông Joe Biden phải đối mặt với nhiều sóng gió, thách thức cả về đối nội và đối ngoại. Cuộc xung đột quân sự bùng nổ giữa Nga và Ukraine không chỉ một điểm nóng trên thế giới khiến Washington đau đầu mà còn dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng, trực tiếp tới lợi ích “cơm áo gạo tiền” sát sườn với mỗi người dân, cử tri Mỹ khi dẫn tới cuộc khủng hoảng “kép” an ninh năng lượng và an ninh lương thực làm giá cả, lạm phát tăng vọt.

Cho tới nay, dù lạm phát đã hạ nhiệt và đại dịch Covid-19 đã cơ bản bị đẩy lùi, nhưng kinh tế Mỹ vẫn là điều khiến cử tri nước này lo lắng bởi những nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát cũng như thị trường việc làm chưa ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 4% so với một năm trước đó. Mức tăng này cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cho thấy lạm phát vẫn là một thách thức không nhỏ với nước Mỹ và chính quyền ông Joe Biden. Tuy nhiên, tháng 5 cũng ghi nhận có thêm 339.000 việc làm, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ dường như sẵn sàng tiếp tục tăng trưởng.

Dù vậy, người dân Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh tế khi vẫn còn đó những nhân tố bất ổn như cuộc xung đột tại Ukraine, kinh tế toàn cầu suy giảm… trong khi chưa hài lòng với ứng phó của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 5 của hãng thống tấn AP-NORC (Trung tâm nghiên cứu NORC của Đại học Chicago), chỉ có 33% người được hỏi tán thành sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden về vấn đề kinh tế.

Tổng thống Joe Biden vẫn luôn cho rằng, giá các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu như xăng, lương thực và các chi phí sinh hoạt khác tăng là do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự ở Ukraine. Chủ nhân Nhà Trắng cho rằng, những yếu tố này nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền của ông.

Thế nhưng, các đối thủ Đảng Cộng hòa lại cho rằng, Tổng thống Joe Biden đã “phá vỡ nền kinh tế Mỹ”. Những người Cộng hòa đã “phớt lờ” thành tựu - tỷ lệ thất nghiệp mức khá thấp 3,7% để chĩa “mũi dùi” vào giá tại các trạm xăng, hóa đơn hàng tạp hóa, khoản nợ liên quan đến khoản cứu trợ đại dịch Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD… Trong đó, cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2024, trong một bài phát biểu trước những người ủng hộ mới đây là nhấn mạnh: “Tôi sẽ ngăn chặn cơn ác mộng lạm phát của ông Joe Biden, cứu nền kinh tế Mỹ”.

Ngoài thách thức kinh tế sát sườn với cử tri, Tổng thống Joe Biden còn đối mặt với một thách thức không nhỏ khác là vấn đề tuổi tác. Ông Joe Biden năm nay đã 80 tuổi, là Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ, và từng có những lần vấp ngã trước ống kính truyền hình. Những cú vấp ngã không chỉ làm ông chủ Nhà trắng nhận sự tấn công từ phía Đảng Cộng hòa mà cả phản đối trong nội bộ Đảng Dân chủ vốn đã lo lắng về khả năng ông Joe Biden tuổi đã cao lại tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa sẽ kết thúc vào năm 2028, khi ông 86 tuổi.

“Át chủ bài” chiến lược kinh tế

Những yếu tố bất lợi khiến Tổng thống Joe Biden đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm trong 6 tháng qua, từ 42% vào tháng 12-2022 xuống còn 35% hiện nay. Tỷ lệ ủng hộ với việc ông Joe Biden đảm nhận chức vụ tổng thống là 40%, thuộc hàng thấp nhất đối với một tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên. Chỉ 1/3 người Mỹ (33%) nói rằng chiến thắng của ông vào năm 2024 sẽ là một bước tiến hoặc một chiến thắng cho đất nước. Chính vì thế, thuyết phục người dân, cử tri Mỹ rằng mình xứng đáng có nhiệm kỳ thứ hai có thể là một thách thức lớn với ông Joe Biden.

Trong khi đó, với cử tri Mỹ, không có gì thuyết phục cũng như tác động quyết định tới lá phiếu của họ bằng các vấn đề lợi ích sát sườn, đặc biệt là công ăn việc làm và thu nhập. Chính vì thế, Tổng thống Joe Biden công bố chiến lược kinh tế gọi là “Bidenomics” được xem như là “át chủ bài” mà ông “đặt cược” vào trong chiến dịch tái tranh cử.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá vì đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng lạm phát kéo dài và những khó khăn trong chuỗi cung ứng, Tổng thống Joe Biden đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri Mỹ rằng ông đang điều hành đất nước hiệu quả. Với việc ra mắt chiến lược kinh tế “Bidenomics”, Nhà Trắng tin rằng chủ nhân của mình có thể đảo ngược tình hình này.

Trong chiến lược kinh tế phục vụ cho chiến dịch tái tranh cử chính thức công bố ngày 28-6, Tổng thống Joe Biden trước hết liệt kê những thành quả lập pháp ấn tượng mà chính quyền của ông đã đạt được trong hơn 2 năm qua kể từ ngày tiếp quản Nhà Trắng. Trong đó, bao gồm các dự luật lớn được Quốc hội Mỹ thông qua đã đầu tư những khoản tiền lịch sử vào công nghệ năng lượng xanh, chất bán dẫn và không dưới 550 tỷ USD để cải tạo đường sá, các cây cầu và cơ sở hạ tầng khác của đất nước… Cốt lõi của chiến lược “Bidenomics” là lý thuyết thống nhất cho các chính sách kinh tế mà Tổng thống Joe Biden theo đuổi suốt từ cuộc bầu cử năm 2020 đến nay. Lý thuyết này, theo ông Jake Sullivan - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, dựa trên 3 trụ cột chính.

- Thứ nhất, chiến lược đặt chất lượng tăng trưởng kinh tế quan trọng hơn số lượng. Khác với quan điểm “tất cả tăng trưởng đều là tăng trưởng tốt”, chiến lược “Bidenomics” không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mà còn nhìn nhận xem tốc độ tăng trưởng đó có mang lại thu nhập trung bình cao hơn, ít bất bình đẳng hơn và đầu tư trong nước nhiều hơn vào các lĩnh vực quan trọng với an ninh quốc gia hoặc môi trường.

- Thứ hai, tự do kinh doanh không còn được tuyệt đối hóa mà thay bằng chính sách công nghiệp. Thị trường phân bổ vốn để đạt được lợi nhuận cao nhất cho các nhà đầu tư tư nhân, nhưng chiến lược “Bidenomics” cho rằng đã không tính đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng mong manh hoặc lỗ hổng địa chính trị. Do đó, chiến lược “Bidenomics” đặt mục tiêu hướng vốn tư nhân vào các lĩnh vực được ưu tiên thông qua các quy định, trợ cấp và các biện pháp can thiệp khác.

- Thứ ba là chính sách thương mại nên ưu tiên cho người lao động Mỹ chứ không phải người tiêu dùng.

Tổng thống Joe Biden luôn khẳng định các chương trình chi tiêu khổng lồ của chính phủ được ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông sẽ kích thích tăng trưởng dài hạn, dẫn đến việc xây dựng lại năng lực sản xuất của Mỹ và giúp nâng đỡ những người có thu nhập thấp và trung bình. Theo giới quan sát, đó không chỉ là một lập luận kinh tế, mà nếu hiệu quả, đó là một lộ trình chính trị tiềm năng để ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.