Tổng thống Mỹ Donald Trump được minh oan trước cáo buộc gian lận

ANTD.VN - Sau 22 tháng điều tra, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã đệ trình báo cáo cuối cùng về cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump cấu kết với Nga tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã được minh oan trước cáo buộc trên. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động chiến dịch tranh cử năm 2020

Khi cộng sự bị buộc tội

Quá trình điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 đã được khởi động từ tháng 5-2017, xoay quanh nghi vấn đội ngũ tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump cấu kết với Matxcơva can thiệp vào kết quả bầu cử. Song song với đó cũng có những cáo buộc cho rằng Tổng thống Trump cố gắng cản trở tiến trình điều tra.

Tới nay, cuộc điều tra của ông Mueller đã đưa ra cáo buộc hình sự đối với tổng cộng 34 cá nhân và 3 công ty. Trong số những đối tượng này có nhiều người là cộng sự thân tín của Tổng thống Trump như cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort, cựu cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn và luật sư riêng Michael Cohen. Điều này đã khiến Tổng thống Mỹ khó tránh khỏi nghi vấn liên quan. Mới đây nhất, sáng 25-1, Mỹ đã tiến hành bắt giữ ông Roger Stone - cố vấn lâu năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Stone bị một bồi thẩm đoàn của quận Columbia truy tố ngày 24-1 với 7 tội danh mà Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra. 

Cụ thể, ông Roger Stone bị cáo buộc đã tìm cách đánh cắp các email từ WikiLeaks với mục đích gây bất lợi cho các đối thủ của Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 theo chỉ đạo của một quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử. Các tội danh của ông này gồm: 1 tội về cản trở quy trình điều tra chính thức, 5 tội danh về tuyên bố sai sự thật và 1 tội về can thiệp nhân chứng.

Cũng nhờ những báo cáo của Công tố viên  Robert Mueller, số người ủng hộ Tổng thống Mỹ bất ngờ tăng lên, cao nhất kể từ khi ông lên nắm quyền. Cụ thể, theo một cuộc thăm dò mới của CNN hôm 26-3 vừa qua, có 42% số người ủng hộ cách thức ông Trump thực hiện công việc của Tổng thống trong khi con số không tán thành là 54%. 

Trước đó, Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort cũng đã bị bắt giữ hồi tháng 8-2018 với các tội danh trốn thuế, lừa đảo ngân hàng và không khai về các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Kết quả, ông đã phải nhận mức án 4 năm tù giam sau các cáo buộc nhằm vào mình. Đây là mức án nặng nhất dành cho một trợ lý của Tổng thống trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách. Bị cáo cũng sẽ phải đóng khoản tiền phạt 50.000 USD (1,16 tỉ đồng) và hoàn lại 24 triệu USD liên quan.

Một trong những vụ bắt giữ gây lùm xùm nhất trong khuôn khổ cuộc điều tra là việc bắt giữ cựu luật sư thân tín của Tổng thống Mỹ. Michael Cohen từng là trợ thủ đắc lực của nhà tài phiệt trong điều hành đế chế kinh doanh, đồng thời là người thay Tổng thống Mỹ giải quyết êm thấm những rắc rối pháp lý vốn liên tục xuất hiện trong sự nghiệp của nhà tỷ phú New York. Năm 2017, ông Michael Cohen nằm trong số những nhân vật bị Cục Điều tra liên bang (FBI) và Hạ viện Mỹ yêu cầu điều tra về các mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Matxcơva.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người đã minh oan cho Tổng thống Donald Trump

Tờ Washington Post cho biết, ông Michael Cohen đã muốn phía Nga hỗ trợ một dự án bất động sản của Tập đoàn Trump tại nước này. Trước sức ép điều tra, liên lạc giữa ông Donald Trump và luật sư Michael Cohen được giới hạn tối đa để tránh những rắc rối pháp lý trước thềm cuộc điều trần của Ủy ban tình báo Hạ viện vào tháng 9-2017. Suốt hơn 1 năm sau đó, Michael Cohen dần bị cách ly khỏi Nhà Trắng, gia đình và các cộng sự của ông Donald Trump. 

Trước tình hình đó, Tổng thống Trump cũng bắt đầu “lạnh nhạt” dần với người trợ thủ cũ, khiến quan hệ giữa ông và Michael Cohen ngày một tồi tệ. Sau khi bị bắt giữ, tại Tòa án Liên bang ở New York, Cohen đã thừa nhận 8 tội danh gồm: 5 tội danh về trốn thuế, 1 tội danh về thông báo sai đối với một tổ chức tài chính, 1 tội danh về cố ý tạo ra một khoản đóng góp bất hợp pháp của công ty và 1 tội danh về tạo ra một khoản đóng góp quá mức cho chiến dịch tranh cử và gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 bằng các khoản thanh toán huy động từ nhiều nguồn theo chỉ đạo của một ứng cử viên tranh cử cấp liên bang.

Đặc biệt, trong buổi điều trần trước Ủy ban giám sát Quốc hội ngày 27-2 vừa qua, ông Cohen đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “phân biệt chủng tộc”, “dối trá” và “lừa đảo”. Đồng thời, ông cũng tiết lộ một loạt cáo buộc gây sốc về quá khứ và hiện tại của Tổng thống Mỹ mà theo các chuyên gia nhận định, những cáo buộc này có thể đe dọa tới nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Điều này đã gây không ít bất lợi đối với người đứng đầu Nhà Trắng thời điểm ấy và Tổng thống Trump đã bị chỉ trích nặng nề sau những lời buộc tội của vị cựu luật sư thân tín. 

Cựu luật sư Michael Cohen đã tiết lộ nhiều điều gây sốc về Tổng thống Mỹ

Cuộc chiến còn dài

Việc Công tố viên đặc biệt Robert Mueller không phát hiện thêm bằng chứng nào bất lợi cho ông Trump đã góp phần giúp Tổng thống có cơ hội để công kích mạnh mẽ phe Dân chủ và truyền thông. Tổng thống Mỹ và những đồng minh của mình đã phá được đám mây đen bao phủ trên đầu suốt 2 năm qua và  đây là thời điểm thích hợp để xây dựng lại tình cảm với các cử tri để chuẩn bị cho kế hoạch tái tranh cử 2020. Đây được xem là một thắng lợi lớn đối với chính quyền ông Trump kể từ khi đắc cử năm 2016.

Sau khi kết quả cuộc điều tra được công bố, người đứng đầu Nhà Trắng trở lại công việc với một luồng sinh khí mới. Tổng thống bắt đầu tuần làm việc với cuộc gặp Thủ tướng Israel Netanyahu, sau đó bay tới Michigan để bắt đầu chuỗi các buổi vận động. Chuyến đi cũng có thể được coi là tour đi ăn mừng chiến thắng với hy vọng tăng cường được sự ủng hộ của nhóm cử tri Cộng hòa trung thành - những người vốn đã quá mệt mỏi bởi cuộc điều tra và có thể sẽ quay lại với ông Trump khi đám mây đen mang tên “đồng lõa với Nga” biến mất.

Cũng nhờ những báo cáo của Công tố viên  Robert Mueller, số người ủng hộ Tổng thống Mỹ bất ngờ tăng lên, cao nhất kể từ khi ông lên nắm quyền. Cụ thể, theo một cuộc thăm dò mới của CNN hôm 26-3 vừa qua, có 42% số người ủng hộ cách thức ông Trump thực hiện công việc của Tổng thống trong khi con số không tán thành là 54%. Trong 4 cuộc thăm dò mới đây nhất của CNN, tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông chủ Nhà Trắng khá bấp bênh  - từ 35% hồi tháng 12 lên 40% trong tháng 1, giảm xuống 35% trong tháng 3 và tăng trở lại 42% hiện nay.

Theo CNN, các tỷ lệ ủng hộ mạnh nhất dành cho ông Trump là về lĩnh vực kinh tế - chủ đề duy nhất chứng kiến đánh giá của ông thiên về tích cực hơn là tiêu cực: 48% tán thành và 45% bất đồng. Tuy vậy, xu hướng này lại không đúng với ngoại thương, vấn đề mà ông Trump mới hành động bằng cách áp các mức áp thuế nhằm vào thép, nhôm và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Về thương mại nói chung, tỷ lệ ủng hộ công việc của Tổng thống ở mức 38% còn tỷ lệ không tán thành là 50%.

Việc ông Trump xử lý các vấn đề đối ngoại nhận được mức tán thành 39%, trong khi 53% tỏ ra không đồng tình. Thăm dò cho thấy, 47% cho rằng Tổng thống quá dễ dãi với Nga, trong khi 41% cảm thấy ông đối xử đúng với Matxcơva. Về chính sách súng đạn, đa số với 54% không đồng tình cách xử lý của Tổng thống trong khi 36% ủng hộ.

Có thể thấy, sau khi được minh oan, Tổng thống Mỹ đã có được những thắng lợi đáng kể trước đối thủ phe đối lập, song ông vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa cho cuộc chạy đua năm 2020 nếu muốn tiếp tục cai quản Nhà Trắng.