Tình báo Đức bán tin điều tra vụ nghe lén Thủ tướng Merkel cho CIA:

Tổng thống Đức nổi giận, nhưng vẫn... chìm xuồng?

ANTĐ - Tổng thống Đức Joachim Gauck vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn vào ngày 7-7 là ông sẽ phản ứng mạnh mẽ, nếu những cáo buộc sĩ quan tình báo Đức làm gián điệp cho Washington được chứng minh.

Ở Đức đang bùng nổ vụ bê bối gián điệp mới, tiếp nối vụ việc một năm trước đây, Edward Snowden tiết lộ những dữ liệu bí mật gây chấn động thế giới, trong đó có vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe trộm điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Mùa hè năm ngoái, cựu sĩ quan tình báo Mỹ đã công bố dữ liệu cho thấy, tình báo Mỹ thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của công dân các nước khác nhau trên thế giới. Trong số hàng triệu người bị theo dõi có cả những nguyên thủ quốc gia các nước đồng minh thân cận của Mỹ và bà Merkel cũng không phải là ngoại lệ.

Thông tin này đã gây ra sự phẫn nộ. Washington đã nhận những bức công hàm phản đối từ khắp nơi trên thế giới. Bundestag (Quốc hội Đức) đã thành lập ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ điều tra vụ này, tại sao cơ quan an ninh của Đức đã không thấy bất cứ điều gì. Ủy ban cũng đánh giá thiệt hại mà các hành động của gián điệp Mỹ gây ra cho lợi ích quốc gia.

Đặc biệt là Washington không thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với Đức trong vấn đề này, khi từ chối cung cấp dữ liệu ghi âm các cuộc hội thoại của Thủ tướng Đức, nhưng lại tìm đủ mọi cách cách tiếp cận những dữ liệu mà các chuyên gia Đức phát hiện. Và Mỹ đã nhận được thông tin này với sự giúp đỡ của một nhân viên tình báo Đức.

Theo số liệu sơ bộ, nhân vật này đã thú nhận có chuyển cho phía Mỹ thông tin về một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Đức được thành lập để điều tra về những tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden về chương trình nghe lén của NSA. Đổi lại, phía Mỹ đã chuyển một số tiền không nhỏ cho nhân vật này, coi như khoản tiền bồi dưỡng vì đã cung cấp thông tin quan trọng.

Nhân vật này đã nhận tội. Công chúng Đức lại phẫn nộ. Nhiều người nói, cần phải ngăn chặn hành vi tương tự từ phía nước hữu nghị. Nhưng, những lời lẽ cứng rắn không dẫn đến những hành động cụ thể.

Tuy Tổng thống Đức tuyên bố cứng rắn nhưng vụ bê bối gián điệp Đức cũng sẽ "chìm xuồng" như vụ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel trước đây?

Các chuyên gia nghi ngờ rằng, Berlin sẽ chẳng bao giờ có những hành động đi xa hơn những lời nói cứng rắn. Trước đây, sự phẫn nộ trước thông tin về việc đặc nhiệm Mỹ nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel tuy đã làm dấy lên những dư luận phán đối nhưng rốt cuộc, nó đã không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa hai nước.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đức của Liên bang Nga, ông Vladislav Belov nói: “Đây là vụ scadal nghiêm trọng. Mỹ và Đức là hai đối tác trong khuôn khổ quan hệ song phương cũng như trong khuôn khổ quan hệ Mỹ - EU. Tất nhiên, trong quan hệ giữa các cơ quan an ninh của hai bên đối tác phải có sự tin cậy lẫn nhau.

Vì thế, bắt buộc các cơ quan chính thức của Đức đã có những tuyên bố cứng rắn. Nhưng, sau đó không có gì xảy ra. Vụ bê bối này cũng sẽ bị dập tắt cũng như vụ scandal sau khi tiết lộ thông tin về việc cơ quan an ninh Mỹ nghe lén các cuộc điện thoại của người dân và các chính trị gia Đức, thậm chí cả Thủ tướng Đức.

Hiện nay, nước Đức rất coi trọng mối quan hệ hợp tác Euro-Atlantic. Dù Thủ tướng Merkel không tán thành hành vi của các đối tác Mỹ, nhưng bà buộc phải giấu cảm xúc của mình và xem xét các mối quan hệ Đức- Mỹ trong bối cảnh thỏa thuận tương lai về thương mại và đầu tư tự do. Hiện nay, thỏa thuận này là quan trọng hơn so với sự bất mãn với hành động của đối tác Mỹ”.

Song theo truyền thông Hoa Kỳ thì vụ bê bối gián điệp mới có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Berlin và Washington. Tờ The New York Times cho biết, một quan chức cấp cao của Mỹ đã nói, Washington có thể chấm dứt sự hợp tác tình báo với Đức mà Berlin đang phải phụ thuộc nhiều vào thông tin được cung cấp từ Mỹ.

Hiện nay, một trong những trung tâm tình báo lớn nhất của NSA trên địa bàn Đức là “Trung tâm kỹ thuật châu Âu” tại thành phố Wiesbaden. Về công khai, đây là một căn cứ quân sự của Mỹ, nhưng, trên thực tế, trung tâm này thu thập thông tin từ các nhân viên NSA và các cơ quan đối tác nước ngoài ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông.