“Tổng không bằng không”
(ANTĐ) - Quan hệ Trung - Mỹ đang đứng trước bước chuyển khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi chấm dứt cách hành xử “tổng bằng không” tồn tại từ thời chiến tranh lạnh, để mở ra một thời kỳ mới trong hợp tác giữa hai siêu cường này.
Đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại sân bay ở Thủ đô Washington |
Trả lời phỏng vấn tờ “Nhật báo Phố Wall” và “Bưu điện Washington” nhân chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa ra tuyên bố trên. Không giải thích rõ các vấn đề đặc biệt nhưng người đứng đầu Trung Quốc đề nghị một sự hợp tác mới với Mỹ trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, hàng không - vũ trụ.
Lý thuyết “tổng bằng không” xuất phát từ nghiên cứu hành vi của hai hoặc nhiều người trong các tình huống khi quyền lợi của họ mâu thuẫn nhau. Kết quả sẽ xảy ra hai tình huống “tổng bằng không” và “tổng không bằng không”.
Trong loại đầu, phần “được” của người này là phần “mất” của người khác mà thể thao là ví dụ. Nhà vô địch chỉ có thể đạt được vinh quang khi toàn bộ các đối thủ khác đều thua cuộc. Loại sau, thường xảy ra trong kinh tế, khi các đối thủ biết hợp tác thì sẽ có thể cùng gia tăng tổng phúc lợi và kết quả là đôi bên cùng có lợi, tức là “tổng không bằng không”.
Nhìn lại quan hệ Trung - Mỹ, không chỉ dưới thời chiến tranh lạnh mà hiện tại, mối quan hệ này vẫn nằm trong tình trạng “tổng bằng không”. Nguồn gốc của tình trạng đó xuất phát từ sự tồn tại của “nhiều vấn đề nhạy cảm cũng như bất đồng”.
Trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng-an ninh, đó là mâu thuẫn xung quanh thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; chuyến thăm Mỹ của thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng Đạtlai Lạtma; việc nhân vật bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình 2010; tự do Internet và cuộc chạy đua hải quân ở Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế, nổi bật là cuộc tranh cãi xung quanh giá trị đồng Nhân dân tệ và cuộc chiến thương mại. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng công khai tuyên bố rằng hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay là “một sản phẩm của quá khứ” và còn lâu nữa đồng Nhân dân tệ mới được chấp nhận là đồng tiền quốc tế.
Bình luận này phản ánh những căng thẳng dai dẳng xung quanh vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chủ chốt sau cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008.
Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mong muốn chuyến thăm lần này của mình đến Mỹ sẽ giải tỏa những hiềm khích và mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này không phải không có cơ sở nếu nhìn vào tiềm năng của hai nước.
Trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất cho dòng hàng hóa dân dụng “Made in China”, thì Trung Quốc là thị trường đầu tư đem lại những khoản siêu lợi nhuận cho các tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ. Nếu như Bắc Kinh cần những công nghệ cao cấp của Washington, thì ngược lại nước Mỹ chắc sẽ khó vượt qua cơn suy thoái kinh tế nếu như Trung Quốc không tung cả nghìn tỷ USD dự trữ của mình mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Chuyến thăm mới chỉ bắt đầu nhưng Tập đoàn Alcoa của Mỹ đã ký được với Tổng công ty Đầu tư điện (CPI) của Trung Quốc thỏa thuận hợp tác trong một loạt các dự án về nhôm và năng lượng sạch với tổng giá trị lên tới hơn 7,5 tỷ USD. Triển vọng còn rất nhiều và điều đó cho thấy nếu giải tỏa được mâu thuẫn, nguồn lợi sẽ tăng gấp bội, dù cuộc đua giành vị trí siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra nảy lửa.
Hoàng Sơn