Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê: “Không tự tin kiểm soát lạm phát ở mức 4%”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho hay, với tình hình giá cả biến động như hiện nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% như Quốc hội giao là một thách thức.
Nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát năm 2021

Nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát năm 2021

Tổng cục thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, nói về áp lực lên lạm phát năm 2021, bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục thống kê) cho biết: “Mặc dù CPI quý I/2021 tăng thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nhưng theo đánh giá của Tổng cục thống kê, áp lực lạm phát không hề nhỏ”.

Nói kỹ hơn về nhận định này, bà Nguyễn Thu Oanh cho hay, cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu tạo đáy. Năm nay, áp lực của lạm phát là khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi, các nước đẩy nhanh tiêm phòng vaccine và nhu cầu hàng hoá tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó, hoạt động về sản xuất, thương mại sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên, nhiên liệu tăng lên.

Đáng chú ý, mức tiêu dùng của người dân cũng đã tăng lên. Trong khi đó, giá dầu diễn biến phức tạp. Hiện giá dầu Brent ở mức trên 60 USD/thùng, tăng hơn 20% so với quý I/2020.

“Nhu cầu sử dụng dầu tỷ lệ thuận với sự phục hồi của nền kinh tế. Việt Nam đã 5 lần điều chỉnh xăng dầu từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Khi giá xăng dầu thế giới tăng, sẽ tác động tới tiêu dùng, sản xuất trong nước và theo theo giá cả tăng theo. Dự kiến giá dầu Brent trung bình của năm nay sẽ ở mức hơn 60 USD/thùng và giá xăng dầu dự kiến tăng khoảng 25% so với 2020, tương đương với 0,9 điểm phần trăm”- bà Nguyễn Thu Oanh nói.

Theo đại diện Tổng cục thống kê, việc các nước tích cực triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 và áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Gần đây nhất, giữa tháng 3/2021, Mỹ bắt đầu áp dụng gói cứu trợ lên tới 1.900 tỷ USD.

Do đó, đại diện Tổng cục thống kê cho rằng, mục tiêu lạm phát năm nay ở mức 4% như Quốc hội giao có thể đạt được nếu việc điều hành giá được thực hiện linh hoạt, hợp lý và sự quyết liệt của Chính phủ.

Hiện tại, giá xăng dầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để giữ được mức CPI hài hoà, kiểm soát được lạm phát bền vững, Tổng cục thống kê khuyến nghị cần kiểm soát được giá một số dịch vụ Nhà nước quản lý, trong đó đáng chú ý là không tăng giá các dịch vụ này trong tháng 4/2021 vì cùng kỳ các năm trước, CPI các tháng này thường thấp hoặc giảm.

Bên cạnh đó, không nên tăng giá vào các tháng cuối năm vì sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn vào năm sau. Giá dịch vụ y tế nên được điều chỉnh vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8/2021.

Đối với giá xăng dầu, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương cần linh hoạt trong điều hành, kết hợp quỹ bình ổn giá để giá mặt hàng này đừng để tăng quá cao.

Nhấn mạnh lại nội dung này, bà Nguyễn Thị Hương nói: “Thông điệp của chúng tôi là không tự tin kiểm soát CPI năm 2021 ở mức 4% như Quốc hội giao. Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều lợi thế là giá giá gạo và nông sản xuất khẩu tốt, cầu xuất khẩu tiếp tục tăng cao; Nội địa thị trường không căng cứng và có yếu tố tích cực”.