Tổng công ty Đường sắt được giao phải thu lãi hơn 322 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bên cạnh việc cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải để từng bước thoát khỏi tình trạng thua lỗ và bù đắp dần khoản lỗ lũy kế của các năm trước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.

Đại diện chủ sở hữu giao VNR đạt tổng doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -866,6 tỷ đồng trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 322,8 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu 26.190 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -1.237 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.250 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 13 tỷ đồng.

Giai đoạn 2023-2025 đường sắt được giao lãi 322 tỷ đồng

Giai đoạn 2023-2025 đường sắt được giao lãi 322 tỷ đồng

Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 cho dự án nhóm A, B toàn Tổng công ty là 2.590,6 tỷ đồng. Dự án nhóm C của Công ty mẹ là bình quân 70 tỷ đồng/năm từ năm 2024-2025.

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hướng đến mục tiêu phục vụ theo nhu cầu hành khách, tập quán tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, thuận lợi và đa dạng hóa dịch vụ vận tải trong vận chuyển hành khách; triển khai phương thức bán vé linh hoạt.

Tổng công ty cũng cần theo dõi luồng khách để điều chỉnh thành phần đoàn tàu phù hợp đảm bảo nhu cầu đa dạng của hành khách và hiệu quả kinh doanh. Bám sát nhu cầu thị trường vận tải mở thêm tuyến mới để mở rộng thị trường; phát triển hệ thống bán hàng rộng khắp, chú trọng vào vùng thị xã, thị trấn và các hình thức hợp tác để thu hút luồng khách người nước ngoài. Tiếp tục duy trì và nghiên cứu chính sách giá cước linh hoạt để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng kể cả thời gian cao hay thấp điểm vận tải.

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải tạo thuận lợi cho chủ hàng, chỉ một đầu mối tiếp nhận, niêm yết công khai giá, trách nhiệm người vận chuyển, chất lượng dịch vụ, bổ sung các dịch vụ như đóng gói, kiểm đếm, bảo quản, giao nhận hàng, vận tải đa phương thức, thuê toa, chuyến, tuyến... Khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được yêu cầu tiếp tục chủ động triển khai phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030 đã báo cáo Chính phủ để tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; duy trì và thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu...; thúc đẩy các hoạt động logistics, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống quản trị qua ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước dần chuyển hướng tổ chức phân phối các nguồn hàng từ kho, ga đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nâng cao giá trị và hiệu quả trong chuỗi logistics.