Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên:

“Tôi sẽ theo tới cùng vụ bản quyền truyền hình”

ANTĐ - “Bầu” Kiên tiếp tục gây gốc khi tuyên bố sẵn sàng bỏ cả công việc kinh doanh để tập trung theo tới cùng trong vụ tranh chấp bản quyền truyền hình, mà ông cho rằng lẽ phải nằm trong tay mình.

Dù chưa có kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL, nhưng “bầu” Kiên vẫn chuẩn bị kế hoạch để làm tới cùng với mục đích (mà theo ông) là mang lại sự công bằng cho VPF. “Nếu thanh tra Bộ phán quyết chúng tôi sai, chúng tôi vẫn có quyền yêu cầu phúc tra. Nếu phúc tra vẫn không được thì khi đó chúng tôi sẽ mời Thanh tra chính phủ vào cuộc. Kể cả Thanh tra chính phủ vẫn chưa thể kết luận chúng tôi đúng thì giải pháp cuối cùng là các bên sẽ gặp nhau ở toà” - ông Kiên cứng rắn.

Trước khi vòng 5 Super League diễn ra, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi VTC đề nghị đài truyền hình này tôn trọng hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF đã kí với AVG. Bất chấp điều này, ông Kiên một lần nữa bật đèn xanh cho VTC về việc cho các đài vào sân tác nghiệp: “Khi chưa có kết luận của thanh tra, chúng tôi vẫn có quyền cho các đài vào sân”.

Dù có thái độ khá căng thẳng, nhưng “bầu” Kiên vẫn tỏ ra muốn “dĩ hòa vi quý” trong phạm vi có thể được. Ông nói: “Dù thế nào thì tôi vẫn muốn VFF và chúng tôi ngồi lại cùng nhau để tìm được tiếng nói chung, giải quyết êm đẹp vụ việc. Thời gian qua, giữa VFF và VPF liên tục có những công văn qua lại bảo vệ quan điểm của nhau là vì không có lãnh đạo nào của VFF muốn gặp chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo VFF bất cứ lúc nào họ muốn, nhưng chưa được”.

Trong bối cảnh không thừa nhận bản hợp đồng mà AVG và VFF đã ký trước đó, ông Kiên còn tiết lộ thêm 3 điểm vi phạm của hợp đồng này, mà trước đó ông đã cung cấp cho Thanh tra Bộ. “Trong đăng ký kinh doanh của AVG tại Sở Kế hoạch- Đầu tư Khánh Hoà có mâu thuẫn giữa mã số kinh doanh và giấy phép đăng kí kinh doanh. Họ chỉ có quyền môi giới mua bán bản quyền truyền hình chứ không có quyền kinh doanh bản quyền. Khi VFF bán bản quyền lên tới 20 năm, họ cũng không chào bán công khai và đặc biệt không hề tham vấn VTV với tư cách là Đài truyền hình quốc gia. Điểm cuối cùng tôi muốn chỉ ra cho Thanh tra Bộ thấy là chưa có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào phê duyệt hợp đồng mua bán bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG”. Ông Kiên khẳng định, trong bất cứ hợp đồng nào cũng có điều khoản thanh lý hợp đồng. Thế nên, nếu 28 chủ tịch các CLB Super League và hạng Nhất cùng đồng ý, VFF cũng khó có thể làm khác.

Đấy là lý do khiến VPF rất tự tin trong vụ tranh chấp này. Ông Kiên tiếp tục: “Những việc chúng tôi làm là đúng tinh thần công văn của Thủ tướng và chúng tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Gần đây, một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có gọi điện cho anh Võ Quốc Thắng để động viên anh Thắng không nên nản khi ngồi ghế chủ tịch VPF. Các vị lãnh đạo đã tin tưởng và quan tâm như thế thì có lý do gì chúng tôi không làm. Về phần mình, tôi khẳng định nếu cần tôi sẽ có thể bỏ cả việc kinh doanh để có thời gian theo tới cùng vụ bản quyền truyền hình. Với tôi, đây là chuyện lớn, liên quan tới tương lai bóng đá nước nhà, liên quan tới cả ĐTVN và hình ảnh bóng đá Việt Nam”.

Hôm qua 9-2, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng và Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên vẫn khẳng định sẽ tiếp tục kiến nghị đối với vấn đề tên giải. “Bầu” Kiên cho rằng, trong các văn bản xin phép Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL thành lập công ty VPF, chính VFF cũng đã đồng ý đổi tên giải đấu là Super League. Tuy vậy, ông Kiên cho biết: “Nếu buộc phải nghe theo chỉ thị của VFF và Tổng cục TDTT, VPF sẽ đứng ra chịu các khoản thiệt hại cho các CLB khi giải đấu bị đổi tên”.