Tối hậu thư “chết chóc” của nhóm dân quân khét tiếng Sudan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giữa tháng 12-2023, Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSP) đã tràn vào bang Al Jazira ở miền Trung Sudan, nơi được coi là vựa lúa mì của nước này, với tối hậu thư: “Nhập ngũ hay là chết!”. Kể từ đó, nhóm dân quân đã dùng lương thực, thực phẩm làm vũ khí nhằm ép đàn ông và thiếu niên gia nhập hàng ngũ của mình.

Trong cuộc nội chiến nổ ra tại Sudan từ tháng 4-2023, có hai thế lực mạnh nhất đối đầu nhau để giành quyền kiểm soát đất nước là Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF). Một cuộc điều tra mới đây của CNN đã phát hiện ra rằng, trong 3 tháng qua, RSF đã tuyển mộ gần 700 đàn ông và 65 trẻ em (chỉ riêng ở bang Jazira). Trong số đó, ít nhất 600 người (gồm 50 cậu bé dưới 18 tuổi) đã gia nhập RSF ở miền Đông Jazira. Đáng nói, chiến dịch của RSF diễn ra tại trung tâm nông nghiệp của Sudan trong thời điểm trồng trọt và thu hoạch cao điểm, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở quốc gia châu Phi đang trên bờ vực của nạn đói.

Chiến dịch bắt lính và vơ vét lương thực

Ở những khu vực an ninh bất ổn như miền Đông Sudan hiện nay, hoạt động báo chí sẽ rất nguy hiểm, nhưng bằng chứng về tội ác của RSF không thiếu. Theo các nhân chứng, RSF đã sử dụng hàng loạt biện pháp để buộc các cá nhân gia nhập hàng ngũ của họ, bao gồm đe dọa, tra tấn, hành quyết, song song với giữ lại thực phẩm cùng viện trợ y tế. Trong đoạn video từ cư dân của một ngôi làng ở Jazira vào đầu tháng 1-2024, lính RSF đột nhiên xuất hiện và tuyên bố chiếm giữ nơi này. Tiếng súng vang lên, nhóm lính bắt đàn ông trong làng phải quỳ xuống rồi hành quyết luôn 6 người chỉ vì họ từ chối nhập ngũ. Tại một ngôi làng khác vào ngày 27-2-2024, lính RSF muốn tuyển mộ 20 thanh niên. Khi họ từ chối, chúng khủng bố bằng cách cướp phá nhà cửa, đốt kho thực phẩm trước khi bỏ đi cùng hơn 30 phương tiện của cư dân nơi đây. 30 nhân chứng từ khắp Jazira kể rằng, nếu từ chối RSF, họ sẽ phải trả giá bằng tính mạng, nhà ở, lương thực…

Ông Alex de Waal - chuyên gia về vùng Sừng châu Phi và là Giám đốc điều hành của Tổ chức Hòa bình thế giới, cho biết: “Bất cứ ai kiểm soát Jazira sẽ kiểm soát việc sản xuất lương thực của Sudan”. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, bang Jazira ở miền Trung Sudan cung cấp lương thực cho phần lớn dân số nước này (khoảng 48 triệu người). Nằm ngay phía Nam Thủ đô Khartoum, bang Jazira cũng là nơi có một trong những hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới. Trước nội chiến, Jazira chiếm gần 1/2 sản lượng lúa mì của Sudan và là nơi chứa phần lớn kho dự trữ ngũ cốc của đất nước. Số ngũ cốc đó cùng khả năng trồng trọt và thu hoạch hiện nằm trong tay RSF.

Ông Mohamed Badawi - luật sư của Trung tâm Nghiên cứu công lý và hòa bình châu Phi cho rằng, các chiến thuật của RSF hiện nay giống như một “hệ thống lao động cưỡng bức”. “Mọi người cần phải sống sót, họ không có lựa chọn nào khác” - ông nói về các phương pháp của RSF.

Người dân Sudan phải sơ tán sau khi RSF chiếm giữ “vựa lương thực” Jazira vào tháng 12-2023

Người dân Sudan phải sơ tán sau khi RSF chiếm giữ “vựa lương thực” Jazira vào tháng 12-2023

Lời kể của các nhân chứng còn cho thấy việc RSF nắm giữ nguồn cung cấp thực phẩm chỉ là một phần trong hệ thống cưỡng chế mà họ đang mở rộng ở Jazira. Hơn 10 nhân chứng cáo buộc RSF lợi dụng tình trạng mất liên lạc kéo dài 1 tháng ở bang này để tống tiền người dân địa phương. RSF kiểm soát quyền truy cập Internet, tính phí sử dụng hệ thống internet vệ tinh Starlink của SpaceX cho các dịch vụ trực tuyến, bao gồm cả chuyển khoản ngân hàng. “RSF tính phí 3 USD/giờ với ai muốn sử dụng Internet. Riêng chuyển khoản ngân hàng từ nước ngoài về, họ sẽ cắt 20%. Bọn họ sẽ giao tiền mặt vì là những người duy nhất hiện nay ở bang Jazira có tiền. Trớ trêu ở chỗ, số tiền họ có chính là nhờ cướp được từ các ngân hàng, cửa hàng và nhiều ngôi làng khác” - một người dân nói. Trong khi đó, những tân binh của RSF lại được “thưởng bằng thực phẩm và viện trợ cướp được từ những người khác”.

Ông Hala Al Karib - Giám đốc khu vực của Tổ chức Sáng kiến phi lợi nhuận dành cho phụ nữ vùng Sừng châu Phi, nhận xét: “Những gì RSF đang làm ở Jazira là biến các cộng đồng tự cung tự cấp phải phụ thuộc vào viện trợ, hoặc biến họ thành nô lệ trên chính mảnh đất của họ. Điều này hoàn toàn giống với những gì họ đã làm ở vùng nông thôn Darfur 20 năm trước”. Đau xót hơn, việc tuyển mộ lính trẻ em (để đổi lấy thực phẩm và sự an toàn) đã dẫn đến lao động cưỡng bức - một hình thức tồi tệ nhất tương đương với chế độ nô lệ (theo luật pháp quốc tế). Sau gần 1 năm nội chiến, khoảng 19 triệu trẻ em Sudan không được đến trường. Tình trạng trẻ em cầm súng cũng không phải hiếm và xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội.

Nguy cơ đói với 7 triệu người

Việc RSF kiểm soát Jazira đánh dấu bước đầu tiên khiến hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Sudan bị phá hủy, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người di cư vì đây vốn là vùng đất mà hàng trăm nghìn người chạy trốn chiến sự ở nơi khác tìm đến lánh nạn.

Sau khi giao tranh nổ ra ở Thủ đô Khartoum vào tháng 4 năm ngoái, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã lập một trung tâm viện trợ và kho tàng ở Wad Medani. Ngày 20-12-2023, WFP đã buộc phải tạm dừng phân phối ở Jazira. Ông Leni Kinzli - Trưởng bộ phận truyền thông của WFP ở Sudan cho hay: “Chưa đầy 1 tuần, kho chứa của chúng tôi gồm hơn 2.500 tấn thực phẩm (bao gồm đậu, ngũ cốc, dầu thực vật và các chất bổ sung dinh dưỡng) đủ để nuôi sống gần 1,5 triệu người trong 1 tháng ở bang Jazira đã bị các phần tử có liên quan đến RSF cướp phá”. Còn ông Omar Marzoug - Giám đốc dự án thủy lợi Jazira cho biết: “RSF đã đột nhập trụ sở vào ngày 18-1 và mang đi từ máy kéo, hạt giống, đến phân bón”.

Theo nghiên cứu của Viện Clingendael (một tổ chức nghiên cứu độc lập), thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng nông nghiệp của bang Jazira sẽ chỉ làm tình hình ở phần còn lại của Sudan trở nên tồi tệ hơn. Đất nước này đang phải đối mặt với mức độ đói tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong mùa thu hoạch. Tài liệu dự báo “mức độ nghiêm trọng và quy mô của nạn đói trong mùa giáp hạt sắp tới (giữa năm 2024) sẽ rất thảm khốc”. Theo kịch bản “có khả năng xảy ra nhất”, khoảng 7 triệu người có thể phải đối mặt với nạn đói thảm khốc vào tháng 6-2024.

Đầu tháng 3-2024, WFP đã cảnh báo hơn 25 triệu người trên khắp Sudan cũng như nước láng giềng Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Chad “bị mắc kẹt trong vòng xoáy an ninh lương thực ngày càng xấu đi”. Những người cần giúp đỡ nhất đang bị “mắc kẹt” ở những khu vực không thể tiếp cận được vì “bạo lực và sự can thiệp không ngừng của các bên tham chiến”.

Trong một bản cập nhật tuần trước, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết, khoảng 220.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và hơn 7.000 bà mẹ mới sinh có thể chết ở Sudan nếu không nhận được hỗ trợ khẩn cấp trong những tháng tới. Có tổng cộng khoảng 3,7 triệu trẻ em đang bị suy dinh dưỡng trên khắp nước này, đồng thời đã có trường hợp trẻ em tử vong liên quan đến suy dinh dưỡng. Liên hợp quốc đã kêu gọi 2,7 tỷ USD trong năm nay để đáp ứng nhu cầu nhân đạo của Sudan. Nhưng cho đến nay, các bên mới chỉ cam kết đáp ứng 5% con số đó.