Toan tính thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng vũ lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận, bắn tên lửa ở Biển Đông cho thấy rõ toan tính quyết dùng vũ lực để thay đổi hiện trường tại vùng biển mà họ không hề có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập của Việt Nam

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập của Việt Nam

Đằng sau sự “diễu võ giương oai”

Mới đây nhất, theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), quân đội nước này đã thực hiện một cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển gần đảo Hải Nam. Cuộc tập trận bắn đạn thật này do lực lượng không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc tổ chức ở vùng biển phía Tây đảo Hải Nam trong hai ngày 20 và 21-10, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.

Trung Quốc đã huy động gần 100 phi công tham gia cuộc tập trận quy mô lớn của lực lượng không quân hải quân, phóng hàng chục tên lửa đối không gần đảo Hải Nam. Những hình ảnh từ video do CCTV công bố cho thấy, các máy bay cường kích JH-7 và máy bay tiêm kích J-11 được lắp tên lửa trước khi cất cánh trong cuộc tập trận được mô tả là “nhằm kiểm tra khả năng sử dụng vũ khí của phi công trong điều kiện chiến đấu thực tế”.

Cuộc tập trận bắn tên lửa không đối không của Trung Quốc đã làm xáo trộn, ảnh hưởng tới nhiều chuyến bay thương mại quốc tế qua khu vực. Trong đó, giới chức Đài Loan cáo buộc, chuyến bay của hãng hàng không UNI Air chở các quan chức quân sự của Đài Loan đã bị cản trở bởi “các hoạt động nguy hiểm” nên không thực hiện được chuyến bay.

Trung Quốc thời gian vừa qua đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, từ các cuộc tập trận của biên đội tác chiến tàu sân bay, tàu ngầm, đổ bộ… đến các cuộc tập trận tác chiến điện tử. Tuy nhiên, cuộc tập trận bắn tên lửa không đối không với sự tham gia của gần 100 phi công đã gây nhiều chú ý, quan tâm bởi lần đầu Trung Quốc công khai cuộc tập trận quy mô lớn của lực lượng không quân hải quân được xem còn mới mẻ trong quân đội nước này.

Trung Quốc trong tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông đã ráo riết phát triển lực lượng hải quân cùng các lực lượng khác giúp nước này trở thành một cường quốc đại dương hàng đầu thế giới. Với sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đã không tiếc tiến đầu tư cho hải quân trong thời gian dài vừa qua.

Trung Quốc ngày nay thực sự đứng trong đội ngũ các cường quốc hải quân hàng đầu thế giới khi có đầy đủ những loại vũ khí, trang thiết bị uy lực nhất, đủ sức tác chiến dài ngày trên các đại dương xa như tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu khu trục tàng hình, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo… Trung Quốc thời gian gần đây cũng dồn tiền của để phát triển những loại tên lửa được cho là “sát thủ tàu sân bay” để đối phó với ưu thế lớn của Mỹ là các biên đội tác chiến tàu sân bay có sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với 2 tàu sân bay hiện nay của Bắc Kinh.

Các vụ phóng thử tên lửa tầm trung DF-21D và DF-26 từ sâu trong lục địa Trung Quốc ra Biển Đông không đơn thuần chỉ là kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của những “sát thủ tàu sân bay” mà còn ngầm chữa thông điệp răn đe khi Mỹ liên tục triển khai các biên đội tác chiến tàu sân bay tuần tra tại vùng biển mà Washington tuyên bố là họ có lợi ích sống còn này.

Chung tay hành động đối phó mối đe dọa chung

Những cuộc tập trận hải quân mang thông điệp sức mạnh quân sự của Trung Quốc, theo giới phân tích, còn thể hiện chiến lược quân sự hóa nhằm phục vụ cho tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Không có cơ sở pháp lý, đặc biệt là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cho những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã theo đuổi chiến lược dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền phi pháp.

Điều này thấy rất rõ qua việc Trung Quốc ráo riết tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thời gian qua, từ việc bồi đắp trái phép các đảo nổi nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho tới đổ tiền đổ của để phát triển lực lượng hải quân với tâm điểm là biên đội tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Lập các căn cứ quân sự quy mô lớn, xây dựng lực lượng hải quân với sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với các quốc gia khu vực, tiến hành tập trận với sự tham gia của “con át chủ bài” biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông…

Trung Quốc rõ ràng cho thấy rõ toan tính dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp điều này xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở vùng biển chiến lược quan trọng không chỉ với khu vực mà toàn cầu này.

Song Trung Quốc không dễ hiện thực hóa toan tính nguy hiểm của mình khi các quốc gia khu vực, các cường quốc có lợi ích liên quan tới một Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác đều đang hành động, từ đơn phương cho tới gia tăng hợp tác để chung sức đối phó với môi đe dọa chung. Mối đe dọa này, theo cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds và người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nabuo trong thông báo chung được công bố sau cuộc gặp song phương ở Tokyo vào ngày 19-10 vừa qua, là những ý đồ “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” ở Biển Đông.

Rất đáng chú ý khi cùng ngày với cảnh báo trên, hải quân các nước Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có cuộc tập trận chung trên Biển Đông và đây là lần thứ 5 hải quân 3 quốc gia này tập trận chung ở Tây Thái Bình Dương chỉ trong năm 2020 này. Giới chức quân sự Mỹ nêu rõ, hoạt động tập trận chung tại Biển Đông này nhằm thúc đẩy sự minh bạch, luật pháp, tự do đi lại và toàn bộ những nguyên tắc làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ở cấp độ rộng lớn hơn, Ấn Độ ngày 20-10 thông báo Australia sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Như vậy, cuộc tập trận Malabar năm 2020 không còn chỉ 3 bên Ấn Độ - Mỹ - Nhật Bản, mà đã có sự tham gia đầy đủ của “Bộ tứ kim cương” (QUAD) để ghi dấu một bước chuyển lịch sử trong hợp tác của cường quốc khu vực và thế giới này.